Các emoji có ở khắp mọi nơi. Bạn có thể thấy chúng ở smartphone, trong các tin nhắn, mạng xã hội và trên cả áo phông nữa. Thậm chí vào tháng trước, một người đàn ông ở Pháp còn bị ngồi tù 3 tháng vì đe dọa bạn gái cũ khi gửi cho cô này một emoji hình khẩu súng.
Phổ biến là vậy, nhưng liệu các emoji có được chấp nhận trong môi trường làm việc? Các nghiên cứu chỉ ra rằng câu trả lời là “nên”… nhưng phải đúng hoàn cảnh.
Emoji và các biểu tượng tiền thân (emoticon: biểu tượng cảm xúc thể hiện bằng các ký tự đặc biệt) đã đóng một vai trò cực kỳ hữu ích trong đời sống giao tiếp của con người trong gần 35 năm. Emoticon đầu tiên là một sự kết hợp giữa các ký tự đơn giản làm thành hình mặt cười .
Vào cuối thập niên 1990, iMode, một dịch vụ internet di động, nở rộ ở Nhật Bản. Không như ở các nước khác, iMode có rất nhiều giao diện đồ họa, tạo ra một dạng chất xúc tác thú vị cho các trải nghiệm giao tiếp. Và từ đó các emoji đầy màu sắc ra đời, được giới thiệu ra toàn thế giới bởi nhà thiết kế Shigetaka Kurita.
Đến năm 2011, việc sử dụng các biểu tượng này đã trở nên cực kỳ thịnh hành khi Apple làm riêng một bàn phím với các emoji trong iPhone. Instagram, mạng xã hội tập trung vào hình ảnh, nhận thấy lượng tin nhắn chứa emoji tăng từ dưới 5% lên hơn 40% chỉ trong 3 năm.
Một nghiên cứu ở Mỹ cũng cho thấy có đến 92% người trưởng thành sử dụng các emoji. Sau đó trong một cuộc bầu chọn do công ty phần mềm Adobe tổ chức, họ kết luận rằng tuổi tác không tác động đến thái độ sử dụng emoji ở nơi làm việc. Những người đã lớn tuổi cũng đồng thuận với việc sử dụng emoji như giới trẻ.
Điều quan trọng là bạn đang giao tiếp với ai. Nếu người đó càng lớn tuổi thì bạn càng phải e dè. Và đáng chú ý là, tuyệt đối không sử dụng emoji với cấp trên, đặc biệt là biểu tượng mặt cười “:)”.
Câu hỏi đặt ra là, liệu việc sử dụng emoji ở nơi làm việc có đi quá xa hay không? Đúng là ngôn ngữ thì luôn phát triển, nhưng vẫn có một số từ ngữ mà chúng ta không thể sử dụng được nơi công sở. Liệu điều đó có đúng với emoji?
Chúng ta có thể đồng ý là các emoji không có một giá trị ngữ nghĩa cụ thể. Ví dụ biểu tượng đồng đô la có cánh chẳng hạn. Liệu nó có mang nghĩa là lợi nhuận đang tăng lên? Hay tiền đang bay mất? Tất cả những gì ta được dạy bảo về tính chính xác và rõ ràng trong giao tiếp dường như đi ngược lại với ý nghĩa cho sự tồn tại của các biểu tượng cảm xúc.
Tuy nhiên, nhiều emoji vẫn rất có ích. Trong một tiểu luận mới được công bố gần đây trên tạp chí Computer-Mediated Communication, tác giả Karianne Skovholt cho rằng emoji được sử dụng để truyền tải cá tính vào các cuộc giao tiếp ở nơi làm việc.
Một trong những tác dụng quan trọng của emoji là tạo ra lớp vỏ bọc cho các thông điệp. Trong các câu cần thể hiện cảm xúc, như lời chào, emoji giúp củng cố lời nói được chuyển đi. Ở một số văn bản mang tính đòi hỏi, chẳng hạn như yêu cầu ai làm việc gì đó, emoji được sử dụng để làm cho lời nói mềm mại hơn.
Nói cách khác, các emoji có vai trò tương tự như ngôn ngữ cơ thể.
Ngoài ra, emoji còn mang đến sự hài hước và cảm xúc cho môi trường công sở. Chỉ một emoji thôi cũng đủ thể hiện cảm giác hưng phấn hay mệt mỏi, chiến thắng hay chán nản, những cảm xúc thường thấy ở con người.
Nhưng bạn không nên sử dụng các emoji lung tung, tùy tiện. Các nhà nghiên cứu tại đại học Minnesota đã chỉ ra rằng điện thoại và máy tính khác nhau có thể cho ra các emoji khác nhau – và sự biến chuyển này đủ để làm thay đổi ý nghĩa của thông điệp được truyền đi.
Một hình mặt cười nhe răng ở các phần mềm của Microsoft có thể sẽ hiện lên trên iPhone là biểu tượng nhăn mặt. Ở đây ý nghĩa hài hước không còn nữa. Tốt nhất là hãy tránh sử dụng các emoji khi đuổi việc một ai đó, khi viết một văn bản pháp lý hay thư thường niên gửi cho các cổ đông.
Và có một số emoji mà ta hoàn toàn không nên sử dụng vì người nhận sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của chúng một cách tốt đẹp. Đứng đầu danh sách là gì ư? Có lẽ là hình khẩu súng!
Theo Trí Thức Trẻ/FT