Tại sao thanh toán trực tuyến chưa phổ biến tại Việt Nam

Không thể phủ nhận lợi ích từ các công cụ thanh toán trực tuyến đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, thế nhưng sau 10 năm phát triển tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các công cụ này vẫn còn ở mức thấp.


Ảnh minh họa

Bên cạnh nguyên nhân như cơ sở hạ tầng công nghệ chưa phát triển đồng bộ, cơ chế bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ để tạo niềm tin, thói quen sử dụng tiền mặt chính là rào cản lớn nhất khiến thanh toán trực tuyến chưa thể “cất cánh”.

Đã thật sự tiện lợi hay chưa?

Từ năm 2007, cùng với trào lưu tại các nước phát triển, nhiều công cụ thanh toán trực tuyến đã ra đời tại Việt Nam. Bên cạnh các dịch vụ của hệ thống ngân hàng như thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking; hàng loạt ví điện tử, công cụ thanh toán trung gian, cũng ra đời như MobiVi’, Ngân Lượng, Payoo, Bảo Kim…

Với khả năng giúp tiền tệ lưu thông tức thì, tránh được những rủi ro trong sử dụng tiền mặt, tạo sự minh bạch trong các giao dịch, giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí cho doanh nghiệp và mang lại sự tiện lợi cho người dùng, thanh toán trực tuyến được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ thanh toán chủ lực cho các giao dịch mua sắm. Thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ người dùng sử dụng công cụ này tăng không đáng kể.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Công thương), năm 2014 tỷ lệ người mua hàng trực tuyến thanh toán điện tử có tăng so với năm 2013 nhưng vẫn có đến 64% chọn cách trả sau bằng tiền mặt thông qua dịch vụ giao hàng thu tiền hộ (COD – cash on delivery). Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết, số lượng khách hàng thanh toán COD chiếm 80 – 90% giao dịch, rất ít người chọn cách thức thanh toán trực tuyến như thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng quốc tế hay ví điện tử.

Theo ông Võ Nguyễn Phương Thanh – Trưởng phòng Marketing trang bán hàng trực tuyến Yes24.vn, tỷ lệ khách hàng thanh toán qua thẻ hiện nay của trang này chỉ chiếm 8%, chuyển khoản 8% và ví điện tử chỉ 0,2%. Nếu hình thức thanh toán COD tiếp tục duy trì ở mức cao, doanh nghiệp phải chịu rủi ro lớn như tỷ lệ hủy đơn hàng cao, tốn kém chi phí vận chuyển hàng, dòng tiền quay vòng chậm… Theo các doanh nghiệp, khách hàng chọn COD một phần vì thói quen, một phần vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa chứ không phải do thanh toán trực tuyến thật sự chưa tiện lợi.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử phát triển hơn 10 năm của ví điện tử tại Việt Nam, sẽ thấy dù được khuyến khích, thế nhưng việc kết nối để tạo sự tiện lợi cho người dùng vẫn là thách thức lớn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.

MobiVi’ từ năm 2007 đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối với các ngân hàng để giúp dòng tiền vào ví, đến năm 2012, doanh nghiệp này có hơn 20 ngân hàng kết nối, thế nhưng dịch vụ không đồng bộ ở từng ngân hàng khác nhau từ thời gian tiền được chuyển vào ví, cho đến tiền phí mà khách hàng phải trả khi nạp tiền từ ngân hàng, đã khiến nhiều khách hàng ngán ngẩm.

Doanh nghiệp này cũng không ngừng liên kết với nhiều trang thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ mua sắm, thế nhưng chính họ lại không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ này.

Hiện nay, dịch vụ ví điện tử chỉ có 6 đơn vị được cấp phép với sự phối hợp của 38 ngân hàng thương mại, thế nhưng số người sử dụng vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, thanh toán trực tuyến chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân trẻ hoặc tổ chức là các cơ quan, văn phòng. Vậy mà ngay chính đối tượng cũng gặp khó trong việc tự mình thực hiện thao tác mua hàng và thanh toán trực tuyến vì thủ tục rườm rà, mô hình không nhất quán. Dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch còn cứng nhắc cũng là điều khiến nhiều người không mấy mặn mà.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Để thanh toán trực tuyến ngày càng đi vào đời sống, trở thành thói quen của người dùng, cần có sự liên kết của nhà nước, hệ thống ngân hàng với các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến… trong việc thay đổi nhận thức, tạo thói quen của người dùng, đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, đa dạng hóa dịch vụ để tạo sự thuận tiện cho khách hàng.

Hiện nay, các biện pháp chế tài, xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử đã góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế rủi ro cho người mua hàng. Nhiều doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh cũng đưa ra quy trình thanh toán thuận tiện hơn cho người dùng, phát triển dịch vụ cho phép đổi trả sản phẩm, giải quyết các khiếu nại cho khách hàng. Đây là những nhân tố tích cực giúp người mua mạnh dạn hơn khi sử dụng thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để công cụ này trở thành thói quen của đa số người dùng, các nhà cung cấp dịch vụ, trong đó có ngân hàng, cần đơn giản hóa các thủ tục. Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, những giao dịch điện tử quá khó khăn, phức tạp, trải qua nhiều lớp xác thực khó tạo được thói quen cho khách hàng.

Hiện nay, các ngân hàng triển khai rất nhiều kênh giao dịch trực tuyến như ATM, Internet Banking, Mobile Banking, tuy nhiên, không có sự đồng nhất, mô hình chuẩn nên người dân gặp khó khăn khi sử dụng. Việc chuẩn hóa mô hình giao dịch điện tử trên tất cả các kênh là việc cần làm để tạo dựng thói quen của người dùng.

Doanh thu thương mại điện tử năm 2015 đạt 4 tỷ USD, giá trị thanh toán trực tuyến chỉ chiếm 5%, những con số này chỉ là một phần nhỏ trong doanh thu của ngành bán lẻ hơn 110 tỷ USD, tiềm năng thị trường thanh toán trực tuyến còn rất lớn, đặc biệt là kênh bán lẻ truyền thống.

Theo nhiều chuyên gia, sự bùng nổ của công nghệ ngân hàng, những ứng dụng trên di động đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến phát triển với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới.

Hiện nay, thiết bị thanh toán qua thẻ kết nối với điện thoại di động hoặc máy tính bảng, còn gọi là thiết bị “cà thẻ di động” mPOS (mobile Point-Of-Sale) đang được một số hệ thống bán lẻ sử dụng để đáp ứng nhu cầu xem hàng trước, trả tiền sau của khách hàng. Người giao hàng (tận nơi) chỉ cần mang theo thiết bị mPOS cầm tay để nhận thanh toán từ thẻ quốc tế hoặc thẻ ghi nợ nội địa của khách hàng, như một cách để khuyến khích thanh toán trực tuyến.

Bộ Công thương vào tháng 12/2015 cũng bắt đầu triển khai “Đề án quy hoạch chợ toàn quốc” hướng tới hiện đại hóa ngành bán lẻ truyền thống bằng cách mở rộng lắp đặt thiết bị thanh toán qua thẻ POS ở các chợ, góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán bằng thẻ, hạn chế thanh toán tiền mặt.

Bộ Công thương cũng đang nghiên cứu việc phát triển cổng thanh toán TMĐT quốc gia nhằm hỗ trợ giao dịch TMĐT với sự tham gia của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là công cụ để giám sát, quản lý thanh toán TMĐT, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. 

Theo DNSG