Theo ông Lực, trong vòng 5 năm tới, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ sử dụng Internet, cùng với đó là nhu cầu sử dụng các dịch vụ như internet banking, mobile banking có thể tăng 20-30% mỗi năm… Điều này buộc các ngân hàng phải tính tới bài toán kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật và kiểm soát rủi ro.
Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ đầu tư vào công nghệ của các ngân hàng Việt rất khiêm tốn, chỉ chiếm 5% trong danh mục đầu tư. Trong khi tại Singapore, mỗi năm, các ngân hàng nước này bỏ khoảng 200 triệu USD vào nâng cấp, phát triển hệ thống công nghệ. Hay như tại khu vực châu Á Thái Bình Dương con số đầu tư vào hạ tầng công nghệ của các nhà băng khoảng 7,3 tỷ USD một năm…
Vị cố vấn cấp cao BIDV cũng chỉ ra, 5 năm tới, khi Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các sân chơi quốc tế, việc áp dụng các chuẩn mực mới, như Basel II và xa hơn là Basel III sẽ tác động đến lãi suất ngân hàng.
Ông Lực dẫn dụ, các ngân hàng trên thế giới khi áp dụng chuẩn Basel III, mặt bằng lãi suất tăng thêm 0,5–3%, còn GDP lại giảm 0,2-0,3%; lợi nhuận trên vốn (ROE) giảm 2–3%. Vì thế, nếu các ngân hàng tập trung đầu tư nâng cao quản trị công nghệ ngay từ bây giờ sẽ bù đắp được phần nào khoản giảm lãi trong trường hợp áp dụng chuẩn Basel mới.
Cũng tại hội thảo ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) lại nêu thực tế, không phải lúc nào khách hàng cũng đồng thuận với thay đổi của ngân hàng. Vị này kể khi còn làm việc trực tiếp tại ngân hàng, ông đã phải trả lời rất nhiều thắc mắc của khách hàng liên quan tới chuyện phí giao dịch ATM.
“Tôi giải thích với họ: đi chợ gửi xe chị cũng phải trả 2.000 đồng cho ông bảo vệ trông coi tài sản của mình. Vậy mà khi sử dụng dịch vụ ATM tân tiến, hiện đại và nhiều tiện ích như vậy, muốn gửi/rút tiền bất cứ lúc nào, mà chỉ phải trả 1.000 – 2.000 đồng/giao dịch, lại kêu tốn kém không hợp lý”, ông Hoè nói.
Theo vị lãnh đạo Viện Chiến lược ngân hàng, khi các ngân hàng bỏ tiền đầu tư vào công nghệ tối tân, cung cấp dịch vụ hiện đại thì cũng cần nhận được sự chia sẻ của khách hàng thông qua phí sử dụng dịch vụ, để họ có tiền tái đầu tư phát triển. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều ngân hàng thích chạy theo các nhu cầu mới, một thời gian ngắn lại thay mới hệ thống core banking. Điều này rất lãng phí.
Giải pháp để giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc triển khai, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, ông Phạm Xuân Hoè đề xuất, cần sớm nghiên cứu sửa một số nội dung đã không còn phù hợp trong Luật các Tổ chức tín dụng. Đơn cử, bỏ quy định “cứng” về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ của ngân hàng, thay vào đó cấp giấy phép theo mảng, kho dịch vụ. Cụ thể, các ngân hàng phát triển sản phẩm mới chỉ cần đăng ký vào đúng kho sản phẩm là tự động được cấp phép….
Ngoài ra, vị này cho rằng sớm tách rủi ro công nghệ ra khỏi rủi ro ngân hàng để các nhà băng dễ dàng xây dựng chiến lược tổng thể về quản trị rủi ro. Và cần thống nhất một loại phần mềm công nghệ lõi trong toàn hệ thống, để các ngân hàng thành viên dễ dàng kết nối dữ liệu thông tin với ngân hàng trung ương.
Theo VnExpress