Chúng ta đã được đọc và nghe không ít cuốn sách hay, những bài thuyết giảng từ các nhà lãnh đạo giỏi về chiến lược marketing, kế hoạch kinh doanh hay những câu khích lệ ngắn gọn nhưng cũng đủ làm trào dâng khí thế làm việc hừng hực của cả một đội ngũ nhân viên.
Tuy nhiên, người lãnh đạo dù thông minh đến mấy cũng có những lúc “lỡ lời” và thậm chí còn có thể bột phát thành những câu nói gây phản cảm đối với người nghe. Dưới đây là trường hợp như thế mà tôi đã từng trải nghiệm và có những câu chuyện được nghe người khác kể lại mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.
“Với tư cách là Giám đốc điều hành mới của các bạn, điều đầu tiên tôi muốn nói là nếu bắt gặp bất cứ ai làm rò rỉ thông tin nội bộ của công ty với cánh nhà báo, tôi sẽ huỷ diệt người đó!”.
Đây là lời phát biểu trong màn khai mạc nhậm chức của một vị CEO với nhân viên. Cùng là ý tưởng muốn cảnh báo đến các nhân viên và ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ ra bên ngoài, nhưng có lẽ phát ngôn gây sốc của vị Giám đốc điều hành này đã mang lại một hiệu quả có tác động ngược chiều. Cô cũng đã bị sa thải khỏi công ty sau 15 tháng nhậm chức.
Trong ngày đầu tiên đảm nhận chức trưởng phòng tại một bộ phận trong công ty J. Walter Thompson, vị Giám đốc điều hành đã nói với tôi: “Đây là bản báo cáo về tiểu sử của 100 người dành cho anh. Có lẽ anh sẽ cần phải sa thải một phần ba trong số họ. Mà tôi cũng chuẩn bị nghỉ hưu rồi nên giờ là việc của anh đấy”. Bạn hãy thử đoán xem ngài Giám đốc muốn nói điều gì qua câu nói đó?
Câu chuyện tiếp theo là chia sẻ của một cậu nhân viên 24 tuổi, người được vị Tổng Giám đốc duyên dáng gọi vào văn phòng riêng để nhắc nhở và góp ý về hiệu quả làm việc của anh. Thế nhưng thay vì dùng từ “performance” (nghĩa là hiệu quả hay hiệu suất làm việc), thì vị Tổng Giám đốc lại lỡ nói thành từ “penis” (nghĩa là dương vật của nam). Nguyên văn câu nói được cậu nhân viên trích dẫn như sau: “Steve, tôi gọi cậu vào đây là để thảo luận về dương vật của cậu”.
Tôi được nhận nhiệm vụ từ Giám đốc truyền thông là soạn thư điện tử nháp trước khi gửi thông tin cho khách hàng. Thực sự, tôi cũng không nhớ rõ chi tiết nội dung mình đã viết, nhưng điều cuối cùng còn đọng lại trong đầu tôi đó là câu nói của sếp sau khi đọc xong bức thư, đó là: “Thư gì mà tệ thế này. Tệ đến nỗi tôi chỉ muốn bật hộp quẹt và cho một mồi lửa cháy hết cho xong”. Khỏi phải nói, các bạn chắc cũng hình dung được vẻ mặt bẽ bàng của tôi thế nào rồi. Nhưng cũng thật may phúc cho tôi là sếp không hút thuốc và tôi cũng không viết thư nháp ra giấy!
Lỡ lời tại những buổi chuyện trò với bạn bè hay người thân có thể không gây hại gì, hoặc nếu có thì bạn cũng có thể dễ dàng được bỏ qua hay tha thứ. Nhưng nếu buột miệng nói lời sỗ sàng hay lời lẽ có tính chất chế giễu tại một cuộc họp với đối tác thì lại là một chuyện đáng để lưu tâm. Đó là trường hợp của Donald Trump trong buổi họp chúc mừng đối tác dành giải thưởng kinh doanh của năm.
Với mong muốn thiện cảm là nói lời chúc mừng đơn thuần, nhưng vị Giám đốc điều hành đã lỡ miệng “khen ngợi” bằng một câu nói khác khiến cả phòng phải lúng túng.
Nguyên văn câu nói đó được kể lại: “Tôi rất vui mừng được thông báo, đối tác tại Mê hi cô của chúng ta đã dành chiến thắng trong cuộc thi tiếp thị năm nay. Mà chết tiệt thật, đây là thứ đầu tiên người Mê hi cô dành chiến thắng từ tay người Mỹ kể từ trận đánh Alamo đến giờ”. Bạn có hình dung được mình sẽ phản ứng thế nào nếu ở địa vị nhà đối tác Mê hi cô của công ty đó không?
Vẫn biết rằng, “nhân bất thập toàn” và đã là con người không ai có thể mãi nắm chặt tay mà sống. Ai cũng sẽ có những lúc mắc sai lầm, nói những lời không đáng nói dù không chủ định nói. Nhưng nếu chúng ta để ý hơn, suy nghĩ thật kỹ về những gì mình nói và dành vài giây để đặt địa vị của mình vào vị trí của người nghe rồi hít một hơi thật sâu trước khi phát ngôn, chúng ta sẽ tránh được khá nhiều những rắc rối có thể mang lại.
Theo Trí Thức Trẻ/INC