Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, CNNMoney đưa tin hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mang trên mình khoản nợ khổng lồ lên đến hơn 19.200 tỷ USD.
Hiện tại, chủ nợ lớn nhất của Mỹ là công dân và các tổ chức của nước này với tỷ trọng hơn 67%. Phần còn lại thuộc về các chủ nợ nước ngoài trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước dẫn đầu.
Tại sao nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới lại nợ nần nhiều đến vậy? Liệu có phải Mỹ sắp lâm vào cảnh phá sản? Câu trả lời là không, và thậm chí các nước vẫn cứ tiếp tục ùa vào cho Mỹ vay tiền mà không có chút lo ngại nào.
19.200 tỷ USD là giá trị của số trái phiếu chính phủ Mỹ đã được các bên mua vào. Bên phát hành, mà ở đây chính là Chính phủ Mỹ, sẽ là con nợ, có nghĩa vụ phải trả cho bên cho vay (là những bên nắm giữ trái phiếu) một số tiền nhất định (gồm cả gốc và lãi) trong một khoản thời hạn nhất định, khi trái phiếu đáo hạn.
Suốt 3 thập kỷ qua, giá trái phiếu kho bạc Mỹ đã liên tục tăng cao, đẩy lợi suất sụt giảm. Điều này có nghĩa là các chủ nợ của Mỹ bị thiệt. Nhưng các bên vẫn đổ xô mua trái phiếu Chính phủ Mỹ để củng cố kho dự trữ ngoại hối dù mức lợi suất mà họ thu được thấp hơn nhiều so với các tài sản đầu tư khác.
Trong môi trường hiện nay, an toàn là trên hết và ở trái phiếu Chính phủ Mỹ có một số đặc điểm sau để khiến nó trở thành “hầm trú ẩn an toàn” tốt nhất hiện nay.
Đầu tiên phải kể đến tính thanh khoản. Có khối lượng giao dịch khoảng 500 tỷ USD mỗi ngày, thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ có quy mô lớn nhất thế giới và bỏ cách khá xa so với nước đứng thứ hai là Nhật Bản. Thị trường này đủ lớn về cả quy mô và tính thanh khoản để các NHTW thực hiện các lệnh mua và bán theo cung cầu mà không tạo ra biến động quá lớn về giá. Trái phiếu M ỹ là được coi là tài sản có tính thanh khoản cao tương đương tiền mặt.
Thứ hai, trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là không có rủi ro. Điều này có được nhờ lòng tin của nhà đầu tư vào sức mạnh của kinh tế Mỹ cũng như uy tín của Chính phủ Mỹ. Nước Mỹ – nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP toàn cầu – chắc chắn sẽ không thể rơi vào cảnh vỡ nợ và không thể trả lại tiền cho trái chủ.
Ngoài ra còn phải kể đến vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của USD. Cho đến nay USD vẫn chiếm tới hơn một nửa tổng lượng dự trữ ngoại hối của toàn thế giới. Tỷ trọng của đồng euro gia tăng đáng kể kể từ khi ra đời năm 2002, nhưng nỗi lo sợ về khả năng eurozone tan vỡ khiến tỷ lệ đã sụt giảm mạnh. Cuối năm ngoái, khi Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nhiều người lo ngại USD có thể bị soán ngôi nhưng nhìn những gì đã xảy ra và với thực trạng kinh tế Trung Quốc hiện nay, các biện pháp cải cách sẽ bị cản đường và do đó USD vẫn có lợi thế lớn.
Yếu tố cuối cùng tạo nên sức hấp dẫn của trái phiếu kho bạc Mỹ đến từ hoàn cảnh khách quan. Dù tăng gần 20% kể từ đầu năm đến nay, vàng chỉ vừa mới hồi phục sau mấy năm liên tiếp bết bát. Trái phiếu do các chính phủ khác phát hành ẩn chứa nhiều rủi ro hơn Mỹ. Và, như đã nói ở trên, chẳng có đồng tiền nào mạnh bằng USD.
Như vậy ở đây chẳng phải đơn thuần là mối quan hệ giữa con nợ và chủ nợ như trong một giao dịch thông thường. Mỹ đang nợ thế giới hay thế giới nợ Mỹ?
Theo CafeF/Trí thức trẻ