Muốn biết có nên nghỉ việc không, hãy làm 2 bài kiểm tra sau

Muốn biết mình có nên ở lại công ty này hay không, thì chỉ có một nguyên lý là công ty phải còn nhiều việc để mình làm thì nên ở lại, công ty càng ít việc cho mình làm thì không nên ở lại vì sớm muộn gì mình cũng sẽ bị đuổi việc mà thôi.


Ảnh minh họa

Dưới đây là câu chuyện có thật giữa một ứng viên và nhà tuyển dụng, khi nhà tuyển dụng hỏi “Em còn câu hỏi nào nữa không?”

Nữ ứng viên đã đã rất thành thật hỏi một câu như sau: “Khi em về nước, em được làm ở công ty X, ở đây, em được làm rất nhiều việc và luôn cảm thấy hạnh phúc vì những công việc mình làm đóng góp được giá trị cho tổ chức. Một ngân hàng Y đã offer em một công việc lương cao hơn, trước khi rời bỏ công ty X, em đã tìm hiểu, tưởng tượng những công việc làm sắp tới của mình ở ngân hàng Y sẽ tuyệt vời hơn ở công ty X. Nhưng khi làm việc ở ngân hàng Y được 2 năm, em cảm thấy rất thất vọng, công việc cứ diễn ra đều đều hằng ngày và em cảm thấy những gì em đóng góp cho tổ chức có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Bây giờ, khi đến phỏng vấn ở công ty anh, em đang có cảm giác tương tự như hồi em chuẩn bị chuyển từ công ty X nhưng em đang sợ mình sẽ thất vọng một lần nữa, anh có lời khuyên gì cho em trong trường hợp này không?”

Nhà tuyển dụng đã trả lời ứng viên như sau: “Anh không thể trả lời em một cách chính xác là em có nên chuyển việc sang công ty anh hay là không, anh chỉ đưa ra cho em những nguyên lý như sau, việc của em là dựa vào những nguyên lý này sẽ cân nhắc mình cần phải làm gì”.

Đầu tiên, nhảy việc không phải là xấu, tuy nhiên, nếu nhảy việc từ 3-4 nơi rồi thì nên dừng lại để tìm kiếm một công việc và công ty mình có thể gắn bó một cách lâu dài. Thống kê cho thấy rằng, từ 35 tuổi trở xuống là độ tuổi còn muốn học và khám phá những điều mới, ngưỡng tuổi này còn giảm khi phụ nữ có gia đình và có con.

Muốn biết mình có nên ở lại công ty này hay không, thì chỉ có một nguyên lý là công ty phải còn nhiều việc để mình làm thì nên ở lại, công ty càng ít việc cho mình làm thì không nên ở lại vì sớm muộn gì mình cũng sẽ bị đuổi việc mà thôi. Bên cạnh đó, công ty càng ít việc, mọi người sẽ càng kèn cựa, so đo với nhau, chứ công ty mà nhiều việc, lại còn là các việc khó thì người ta chẳng bao giờ kèn cựa so đo và luôn luôn muốn có người khác giúp mình.

Nhưng làm sao để biết điều đó, em cần làm 2 bài test:

Bài test 1: Hãy yêu cầu người sếp trực tiếp của mình cho mình thử sức tại một công việc mà mình chưa làm bao giờ trước đây, sau đó, hãy theo dõi cách thức sếp giao việc, hỗ trợ mình để hoàn thành công việc đó. Nếu sếp dám giao việc, đó là một công ty đáng ở lại vì vẫn còn nhiều việc cho mình làm.

Bài test 2: Hãy so sánh kỳ vọng của lãnh đạo cao nhất với những gì thực tế đang diễn ra trong công việc bạn đang làm. Nếu khoảng cách này càng lớn, chứng tỏ trong công ty cũng càng có nhiều việc để làm, vì vậy, nên ở lại. Cần phân biệt những thứ trong công việc nhất thời khiến mình khó chịu (như gặp một khách hàng củ chuối, hôm nay sếp khó tính trong công việc) với những thứ là bản chất của công việc không phù hợp với mình.

Nhiều nhân viên khi đi làm đều đánh đồng 2 điều này và xem chúng là một. Vì vậy, đôi khi chúng ta rời bỏ công ty chỉ vì những lý do hết sức vớ vẩn. Tuy nhiên, để phân biệt được hai điều này không phải là điều dễ dàng, cần có sự trải nghiệm đủ lâu và đủ sâu thì mới biết được mình có phù hợp hay là không, thông thường sẽ mất từ 3-5 năm là một chu kỳ công việc.

Hết sức cẩn thận với quy tắc 10.000 giờ: Nhiều chuyên gia trong sách báo đều nói rằng, để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần tối thiểu 10.000 giờ làm việc trong lĩnh vực đấy (khoảng 5-6 năm làm việc), vì vậy, đôi khi bạn sẽ rơi vào tình trạng “cố đấm ăn xôi” để đạt được mốc 10.000 giờ.

Tuy nhiên, có những công việc bạn làm hết mình trong vòng 2-3 năm đã bằng một người làm 5 năm là chuyện bình thường. Vì vậy, nếu đã đủ điều kiện để ra đi thì đừng quá chú trọng đến quy tắc 10.000 giờ này.

Theo Trí Thức Trẻ