Trung tâm Vì doanh nhân (CFE), một tổ chức nghiên cứu chiến lược, khẳng định nước Anh có thể tiết kiệm tới 1,4 tỷ bảng mỗi năm nếu họ thực thi các chương trình khởi nghiệp trong hệ thống nhà tù trên cả nước, Telegraph đưa tin.
CFE cho rằng Anh có thể giảm tổn thất hàng năm do tình trạng 31% cựu tù nhân tái phạm tội. Hiện tại tổn thất do tình trạng này vào khoảng 4,5 tỷ USD, do mỗi trường hợp cựu tù nhân tái phạm sẽ gây thiệt hại 131.000 bảng cho chính phủ và xã hội.
“Việc thực thi một cách rộng rãi những chương trình kinh doanh trong trại giam là giải pháp lớn để ngăn chặn tình trạng cựu tù nhân tái phạm tội”, Luke Johnson, một doanh nhân và nhà đầu tư đang giữ chức Chủ tịch CFE, nhận xét.
Gần một nửa cựu tù nhân tái phạm luật, một phần do họ không có nhiều cơ hội bên ngoài nhà tù. Báo cáo của CFE cho rằng, bằng cách trao cho tù nhân các kỹ năng để tự kinh doanh, tỷ lệ tái phạm có thể giảm xuống tới mức 14%.
Kết quả một cuộc khảo sát gần 100 phạm nhân tại nhà tù HMP Thameside cho thấy 80% muốn tự kinh doanh sau khi mãn hạn tù.
“Phạm nhân và doanh nhân có nhiều nét tính cách giống nhau. Thậm chí một số nhà nghiên cứu còn cho rằng nhiều tù nhân là doanh nhân ra đời trong hoàn cảnh khác biệt. Thông thường tù nhân không muốn tái phạm pháp, song khi rời khỏi nhà tù để sống trong thế giới bên ngoài với rất ít cơ hội việc làm, họ không có nhiều lựa chọn”, Matt Smith, giám đốc CFE, bình luận.
Nhiều công ty sẵn sàng nhận cựu tù nhân để giúp họ bắt đầu cuộc đời mới. Nhưng rất ít người trong số họ trở thành doanh nhân thành công. Duane Jackson, người từng vào tù vì buôn ma túy và sau đó thành lập công ty phát triển phần mềm kế toán, là một trong số ít doanh nhân như vậy. Ông tin rằng những chương trình đào tạo kinh doanh trong trại giam sẽ gây tác động lớn đối với việc ngăn chặn nguy cơ tù nhận tái phạm tội.
“Rất nhiều tù nhân có thể trở thành doanh nhân. Bạn hãy tưởng tượng họ sẽ sử dụng năng lực để làm việc tốt thay vì gây tội ác”, Duane nói.
Theo Zing