Người thu nhập thấp: khách hàng chính của các công ty cho vay tiêu dùng

Với thu nhập thấp, công nhân, lao động phổ thông là khách hàng chính tại các công ty cho vay tiêu dùng.


Ảnh minh họa

Theo một báo cáo mới được Home Credit – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng trả góp công bố, có đến 50% khách hàng là công nhân và lao động phổ thông. Xét về ngành nghề, có 11% khách hàng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, 8% làm việc văn phòng, 6% là kỹ thuật viên, 6% là nông dân, còn lại là những người làm việc trong các lĩnh vực khác.

Nếu tính về trình độ học vấn, đến 80% khách vay có trình độ trung học phổ thông. Số liệu của Home Credit còn cho thấy thông tin thú vị từ khách vay: Có đến gần 70% khách hàng vay tiền mặt tại Công ty là những người đã có gia đình (độ tuổi trung bình là 32,5).

Con số này tương đương với thống kê ở nhóm khách hàng vay mua trả góp xe máy, các mặt hàng điện tử và điện gia dụng. Điều này cho thấy nhu cầu chi tiêu, mua sắm của các khách hàng đã lập gia đình cao hơn nhiều so với khách hàng độc thân (chiếm 24%).

Chia sẻ về báo cáo này, ông Bruce Allan Butler – TGĐ Công ty Home Credit Việt Nam cho biết, khách hàng chính của Công ty là lao động phổ thông có thu nhập trung bình – những người không đáp ứng được điều kiện vay tại các ngân hàng.

“Doanh số cho vay tiền mặt của Công ty tăng trưởng cao trong những năm qua cho thấy nhu cầu vay tiền mặt phục vụ mục đích tiêu dùng của nhóm khách hàng trên là không nhỏ. Điều này cũng khẳng định vai trò quan trọng của các công ty tài chính trong việc cung cấp giải pháp tài chính hợp pháp, an toàn và đơn giản cho một bộ phận người dân có thu nhập trung bình, thấp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ cũng như góp phần kích cầu tiêu dùng”, ông Bruce Allan Butler phân tích.

Báo cáo của Công ty CP StoxPlus công bố hồi đầu năm cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua. Dư nợ cho vay đã tăng đến 44%, từ 10,5 tỷ USD (năm 2014) lên 15,12 tỷ USD (năm 2015). Hiện doanh thu của ngành này đang chiếm 10,4% GDP và 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Cũng theo StoxPlus, kênh cho vay tiêu dùng bùng nổ trong năm 2015 bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng của tầng lớp thu nhập trung bình. Cụ thể, thay vì vay mượn từ người thân, bạn bè hoặc thị trường tài chính không chính thống (tín dụng đen), khách hàng đã chuyển sang vay các công ty tài chính.

Chính sự xuất hiện của nhiều định chế tài chính mới mà công ty tài chính là điển hình đã giúp người dân có cơ hội tiếp xúc với sản phẩm tài chính hiện đại, trong đó có hình thức vay trả góp phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Sự nhanh chóng, tiện lợi từ hình thức mua hàng trả góp qua các công ty tài chính đã được người tiêu dùng ưa chuộng, và việc vay tiền mặt từ công ty tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng cũng ngày càng trở nên quen thuộc với người dân.

Điều này đã được minh chứng bằng hiệu quả hoạt động của các công ty tài chính. Cụ thể, trong những năm gần đây, doanh số từ nguồn cho vay tiêu dùng của nhiều công ty tài chính như Home Credit, FE Credit, HD SAIGON Finance… đều tăng cao. Theo đại diện của Home Credit, tăng trưởng dư nợ cho vay tiền mặt của Công ty trong giai đoạn 2010 – 2015 ở mức bình quân 57%/năm.

Trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay tiền mặt của Công ty đã bằng 80% doanh số cho vay tiền mặt của cả năm 2015 và chiếm đến 27% tổng doanh số cho vay của cả Công ty.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, sở dĩ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tăng mạnh (mặc dù lãi suất còn khá cao) là vì kênh này vẫn là lựa chọn hợp lý cho những người thu nhập thấp muốn mua sắm, tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại tuy lãi suất thấp hơn nhiều nhưng thủ tục và các yêu cầu phía ngân hàng đưa ra thì những khách hàng này không đáp ứng được. Vì vậy, thay vì tìm đến các tiệm cầm đồ, nhiều công nhân, người thu nhập thấp đã tìm đến các công ty tài chính, do đó, doanh số của các công ty này tăng trưởng mạnh là điều dễ hiểu.

Theo DNSG