Những ngày giữa tháng 6, thị trường chứng khoán rúng động bởi cái tên MTM – CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung với những nghi vấn về một công ty “ma” dù sau đó, công ty đã “đóng thuế, treo biển, hoạt động trở lại”.
Tiền thân là một công ty khoáng sản có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đến một ngày, MTM thay đổi toàn bộ Ban lãnh đạo rồi tăng vốn điều lệ lên 310 tỷ đồng, tạo hình một báo cáo tài chính có nhiều con số đẹp và tiến hành giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các bước tiếp theo là thay đổi trụ sở, thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Thực tế, chiêu này không còn mới lạ. Nói một cách văn hoa là “ve sầu thoát xác”, còn nói đơn giản là đi mua xác doanh nghiệp và đổi ruột theo mục đích của đối tượng mua. Rất nhiều doanh nghiệp trên sàn đã sử dụng chiêu này và làm mưa làm gió.
Mua xác…
Trước hết, chọn một doanh nghiệp nhỏ, cơ cấu cổ đông cô đặc và dễ nâng khống giá trị tài sản. Khoáng sản là đối tượng được yêu thích.
Một nhóm nhà đầu tư sẽ mua lại hết cổ phần của các cổ đông ban đầu. Sau đó tăng vốn điều lệ gấp nhiều lần bằng các thủ thuật như góp vốn bằng tiền, bằng tài sản hoặc bằng dự án …
Để trả lại hoạt động kinh doanh cũ hoặc thực các hiện thoả thuận ngầm ban đầu với nhau, các cổ đông mới sẽ lại bán tài sản của doanh nghiệp cho các cổ đông cũ. Những chênh lệch trong việc mua bán này là con số lãi lời mà họ thỏa thuận với nhau khi cổ đông cũ bán xác doanh nghiệp cho nhóm cổ đông mới.
Sau khi hoàn thành thủ tục ” ve sầu thoát xác”, cổ đông mới của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tăng vốn, thay đổi lãnh đạo và làm đẹp báo cáo tài chính.
Làm đẹp…
Dòng tiền và lợi nhuận đầu tiên có được là từ việc bán tài sản nói trên.
Có tiền, doanh nghiệp lại mua lại các dự án hoặc khoản đầu tư của mình ở các công ty khác với danh nghĩa các khoản đầu tư tài chính hoặc góp vốn, liên danh liên kết. Ngoài ra, các lãnh đạo mới có chiêu mua hàng ảo và bán hàng ảo, đẩy tiền ra ngoài để trả trước cho người bán và sau đó rút ra từ đối tác bằng nhiều hình thức.
Để có thêm KQKD đẹp thì doanh nghiệp lại bán chịu cho đối tác một khoản lớn hơn giá trị tài sản khác hoặc hàng tồn kho.
Như vậy, sau một vài thao tác, các lãnh đạo mới đã có được cái vỏ của một doanh nghiệp lâu năm và những con số tài chính mới mẻ, đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Thông thường, các công ty này sẽ tiếp tục vẽ ra nhiều dự án mới, thay đổi ngành nghề kinh doanh mà chủ yếu là đầu tư, xây dựng, tư vấn,… Nhưng, tài sản lúc này chỉ còn lại là các khoản công nợ phải thu và các khoản đầu tư, góp vốn, liên danh liên kết.
Và lên sàn
Cùng với việc đẩy hết tiền ra bên ngoài để thu lại vốn góp của mình, cổ đông mới tiến hành chia nhỏ vốn góp của mình cho người khác đứng tên để thành công ty đại chúng (dưới 5% để không có cổ đông lớn), đưa ra kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, đầy triển vọng và giao dịch trên TTCK.
Những cổ phiếu này thậm chí đã được liên hệ, tạo lập với các đội lái để tạo nên những đoạn tăng giá kinh khủng thu hút nhà đầu tư, rồi sẽ đến giai đoạn rớt giá thảm hại khi “lái” buông.
Có những trường hợp, sau một thời gian giao dịch, cổ đông mới sẽ bán dần và bán hết số lượng cổ phiếu, sau đó tạo ra các vụ vi phạm công bố thông tin để giá cổ phiếu giảm về mức thấp nhất có thể. Khi đó, những đạo diễn nói trên lại âm thầm mua vào và mua tối đa đến 75% số lượng cổ phiếu lưu hành để đủ điều kiện giải thể công ty.
Sau khi giải thể xong cũng là kết thúc phi vụ lừa đảo đúng luật và tuyên bố xoá nợ tại các dự án, các khoản đầu tư hay công nợ phải thu ảo như trên.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeF