Tính đến 29/7, khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế tăng đột biến, lên 9,45%. Trong khi đó các năm trước, khối lượng tiền tệ này chỉ tăng trưởng ở mức 6,3% – 7,5%. Cá biệt vào năm 2011, thời điểm lạm phát Việt Nam tăng lên 2 con số, mức tăng này chỉ ở 3,57% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến 29/7, tổng phương tiện thanh toán (M2*) tăng 9,45% so với cùng kỳ.
9,45% là mức tăng trưởng đột biến của M2 trong những năm qua.
Bên cạnh mức tăng đột biến của tổng phương tiện thanh toán, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%), tín dụng tăng 8,54%.
Thanh khoản của tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước; nhà điều hành đã mua được lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối…
Với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu điều hành xuyên suốt kiểm soát lạm phát hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, với định hướng tín dụng tăng 18%, tăng trưởng phương tiện thanh toán 18-20%.
Để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7% thì nguồn vốn đầu tư bao gồm rất nhiều nguồn không chỉ nguồn từ ngân hàng mà còn từ nguồn ngân sách nhà nước và nước ngoài. Chính phủ quyết tâm thực hiện tăng trưởng kinh tế 6,7%, và Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân ngân sách nhà nước nên các Bộ ngành đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này.
Nguồn vốn FDI theo số liệu của Bộ kế hoạch đầu tư 7 tháng đầu năm 2016 dòng vốn FDI thực hiện đạt 8,67 tỷ USD Mỹ gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Với quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ kinh doanh và tạo môi trường đầu tư thì chắc chắn nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là FDI sẽ gia tăng trong thời gian tới.
(*) Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán (M2) phản ánh khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế tại một thời điểm nhất định, giúp các nhà hoạch định chính sách có thể theo dõi, đánh giá diễn biến khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, từ đó đưa ra quyết định việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát cung ứng tiền tệ, duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Trí Thức Trẻ