Sau một thời gian tăng trưởng nóng, các chuỗi cửa hàng nhượng quyền thực phẩm, cà phê quốc tế ở thị trường VN bắt đầu có dấu hiệu “đào thải”, không ít thương hiệu phải thu hẹp mạng lưới hay rút khỏi thị trường.
Trong khi đó, thị trường kinh doanh chuỗi lại chứng kiến sự “trỗi dậy” những cái tên của thương hiệu trong nước. Cuộc chơi đang dần cân bằng hơn khi các doanh nghiệp Việt đã biết phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế cạnh tranh cốt lõi của mình, đối đầu với những ông lớn quốc tế.
Đại gia phải thoái lui
Cửa hàng cuối cùng trong chuỗi cửa hàng phục vụ cà phê và món tráng miệng NYDC do Tập đoàn SUTL của Singapore đưa vào VN vừa lặng lẽ đóng cửa, trái với quang cảnh rầm rộ ra mắt của bảy năm trước. Trước đó, hệ thống này đã lần lượt đóng cửa năm cửa hàng trong hệ thống.
Theo Insider Retail, yếu tố có thể dẫn đến sự thất bại của NYDC VN là sự ra đời và phát triển của các chuỗi cà phê bản địa ở VN thời gian gần đây. Một loạt chuỗi cửa hàng cà phê với phong cách trẻ trung, hiện đại, giá thức uống không quá đắt như Coffee House, Phuc Long, Urban Station, Trung Nguyen, Kafe, Highlands… đang chiếm thị phần ngày càng lớn.
Ở phân khúc cao cấp hơn, các chuỗi thương hiệu quốc tế xuất hiện với hình ảnh thương hiệu ổn định, phổ biến khiến sự cạnh tranh giữa các chuỗi cửa hàng cà phê ngày càng khốc liệt hơn.
Thật ra, thị trường chuỗi cửa hàng ẩm thực và cà phê đã bộc lộ khó khăn từ năm trước, khi nhiều chuỗi thức ăn nhanh, cà phê quốc tế đã phải đóng cửa ở những vị trí có diện tích mặt bằng lớn do không chịu nổi giá thuê tăng cao.
Ngay các chuỗi có thương hiệu, được ưa thích trên thế giới như gà rán Popeyes hay Pizza Domino, Burger King… vốn được kỳ vọng tăng trưởng nhanh với kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng trong vòng vài năm cũng đang chật vật giữ từng cửa hàng.
Thậm chí, các chuỗi này đang có xu hướng “dạt” ra vùng xa, trả mặt bằng trung tâm, nơi sự cạnh tranh tồn tại được tính trên từng mét vuông. Thương hiệu fast-food đến từ Mỹ là McDonald’s vừa khai trương cửa hàng thứ 10 của mình sau hơn hai năm tại VN.
Đại diện McDonald’s cho biết sự hào hứng của người dùng với các cửa hàng vẫn còn, nhưng mục tiêu 100 nhà hàng sau 10 năm vào VN so với hiện nay là tương đối chậm.
Giám đốc marketing của một thương hiệu thức ăn nhanh vừa quyết định đóng ba mặt bằng gần trung tâm giải thích sự thay đổi này là cần thiết, vì nhà kinh doanh cần mở những nơi có mật độ giao thông đi lại cao, dân cư đông.
Những năm trước một thương hiệu có thể mở 10-15 cửa hàng trong một năm nhưng con số đó bây giờ khó khả thi. Việc đóng cửa chỉ là cơ cấu lại hoạt động của hệ thống sao cho hiệu quả hơn, những mặt bằng đóng cửa không còn tiềm năng phát triển kinh doanh.
“Thay vì đeo bám, chúng tôi quyết định đóng cửa để tìm các vị trí tốt hơn và việc mở rộng mạng lưới vẫn là ưu tiên thời gian tới” – ông này cho biết.
Thực tế, giai đoạn phát triển sôi động nhất của kinh doanh chuỗi là những năm 2012-2015, khi đó thị trường chứng kiến sự tăng tốc nhanh chóng của hàng loạt chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh lừng danh. Nhưng hiện nay đã khác.
Ông Hoàng Tùng, chủ hệ thống Pizza Home, cho rằng các thương hiệu quốc tế đang cho thấy có nhiều điểm mạnh nhưng cũng có vô vàn điểm yếu. Trong khi đó, thị trường kinh doanh chuỗi đang ngày càng nở rộ với sự tham gia của những chuỗi đến từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
“Đừng ngại các ông lớn”
Trong khi các chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh hay cà phê quốc tế đang gặp khó khăn hoặc đóng cửa tại thị trường Việt đều do chi phí đầu tư ban đầu quá cao thì tiền vận hành của các chuỗi VN rẻ hơn nhiều, trong đó chi phí xây dựng một quán chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với các chuỗi nước ngoài. Điều này tạo nhiều lợi thế cạnh tranh cho các chuỗi cửa hàng Việt.
Không gian các quán cà phê Việt bây giờ cũng đẹp hơn, phong cách hơn, chất lượng đồ uống cũng được chú trọng.
Sau hai năm mở cửa hàng cà phê đầu tiên, hiện chuỗi cà phê The Coffee House đã có cửa hàng thứ 30 của mình. Các mặt bằng của chuỗi đều phải đảm bảo tiêu chí không gian thoáng, rộng rãi, phong cách, và tất nhiên thức uống giá phải chăng.
Ông Võ Duy Phú, giám đốc marketing của chuỗi cà phê The Coffee House, cho biết sau hai năm, 30 cửa hàng là một con số không hề đơn giản đối với doanh nghiệp VN mới thành lập.
Đặc biệt, các điểm mới này luôn đảm bảo lượng khách ra vào nhộn nhịp, nhu cầu cần một nơi để làm việc, gặp gỡ… của những người trẻ còn rất lớn. Tuy nhiên, ông Phú cho biết không có ý định thực hiện nhượng quyền bởi mô hình nhượng quyền không cho phép người chủ ứng biến, cải biến nhanh để đáp ứng khách hàng.
Ông Sean T. Ngo, giám đốc VF Franchise Consulting, nói nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đa dạng của người dân cùng với thu nhập cải thiện nhanh chóng tiếp tục đưa VN trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến nay đã có 144 thương hiệu ngoại nhượng quyền vào VN. Thị trường nhượng quyền VN tăng trưởng 15-25%/năm chủ yếu sôi động trong lĩnh vực thực phẩm, thức uống.
Theo các chuyên gia, hoạt động nhượng quyền diễn ra ở rất nhiều cấp độ. Có những cấp độ hoạt động nhượng quyền diễn ra chặt chẽ với những quy định khắt khe về vốn đầu tư, về khả năng mở rộng, về kinh nghiệm của đối tác, nhưng bên cạnh đó nhiều thương hiệu VN đang phát triển nhượng quyền với những bài toán tài chính linh hoạt hơn rất nhiều so với chuẩn nhượng quyền quốc tế, mà sự thành công của nó gắn với những cái tên như chuỗi Sumo BBQ, Vuvuzela, chuỗi King BBQ, Thai Express.
Ngoài ra có thể kể đến hàng loạt cái tên khác như chuỗi Urban Station, The Coffee House…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các chuỗi cửa hàng nội địa thường bị “hụt hơi” khi phát triển lớn. Do đó, bài toán lớn nhất hiện nay là làm sao để các chuỗi thương hiệu Việt có thể phát triển bền vững, lâu dài. Thông thường các doanh nghiệp VN mở 100 cửa hàng không sao, nhưng đến khi quá con số này thường nảy sinh nhiều bất cập trong quản trị chất lượng.
“Các ông chủ Việt bắt buộc phải tự nâng cấp mình hoặc phải thuê những nhà quản lý nước ngoài” – một chuyên gia nói.
Dù có lợi thế về tài chính, kinh nghiệm vận hành ở tầm quốc tế và hệ thống quản trị bài bản, nhưng các “ông lớn” nước ngoài cũng gặp nhiều bất lợi khi khai thác thị trường mới như chưa am hiểu thói quen tiêu dùng bản địa. Định giá quốc tế có thể bị sai lệch với mức chi trả của người bản địa, trong khi thị trường bản địa có những đối thủ mạnh với lợi thế cạnh tranh lớn.
“Trường hợp của NYDC là mức giá cao so với khả năng chi trả của khách hàng và những đối thủ khác như Highlands, Phúc Long, The Coffee House… am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt với sản phẩm chất lượng tương đương và giá cả phù hợp hơn” – ông Hoàng Tùng nói.
Theo Tuổi trẻ