Khách mua nhà nhưng không vào ở, bài toán khó đối với DN BĐS

Tình trạng các dự án đã giao dịch 100% nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thể thu hút cư dân vào sinh sống là bài toán không dễ để các nhà phát triển bất động sản (BĐS) tìm ra lời giải. 


Ảnh minh họa

Hướng đến người mua tại chỗ

Hầu hết, tại các kỳ đại hội cổ đông của Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long), điều mà cổ đông quan tâm là tiến độ của dự án Khu đô thị hơn 300ha ở Bến Lức (Long An) – Waterpoint. Bởi, xét về mặt quy hoạch vùng, Waterpoint là một trong bảy dự án thành phố vệ tinh, sở hữu khá nhiều ưu thế về vị trí lẫn kết nối so với TP.HCM.

Steven Chu – Tổng giám đốc điều hành Nam Long cho rằng, Waterpoint là khoản tài sản tốt của Nam Long và mục tiêu là nhắm đến đầu tư dài hạn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT Nam Long dẫn giải, Waterpoint là một trong hai dự án làm nên sự khác biệt của Nam Long (bên cạnh Nguyên Sơn 40ha, TP.HCM), nhưng Công ty không thể cùng lúc triển khai nhiều dự án. Năm 2016, doanh nghiệp (DN) tập trung tìm đối tác để phát triển Nguyên Sơn, trong khi nhóm phụ trách Waterpoint thì đang ráo riết chuẩn bị các khâu định hướng thị trường, sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài cần, như: trung tâm công nghệ cao, khu công nghệ cao…

Mục tiêu của việc phát triển khu đô thị theo mô hình này là nhằm thu hút cư dân tại chỗ hoặc các nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại đây định cư, sinh sống.

Hiện, Nam Long đã tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản, Malaysia xem xét triển khai dự án thông qua việc phát triển những khu công nghệ cao tại Waterpoint.

Không chỉ Nam Long, mới đây, Công ty SembCorp Development (Singapore) – đơn vị đã đầu tư 7 khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ VSIP tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn đầu tư dự án Công viên sáng tạo (Innovation Park), quy mô từ 50 – 100ha tại TP.HCM.

Ông Kelvin Teo – Tổng giám đốc điều hành Công ty SembCorp Development cho biết, bên cạnh không gian nghiên cứu và phát triển, các dự án năng lượng tái tạo, Innovation Park còn tích hợp đầy đủ các hạng mục phục vụ cho nhu cầu định cư tại chỗ của nhân viên, chuyên gia, kỹ sư làm việc trong công viên như khu mua sắm, nhà ở, khu giải trí…

Theo đại diện SembCorp, đây là xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, một khu đô thị vừa có hoạt động sản xuất – kinh doanh, vừa có nhà ở, công trình phụ trợ sẽ dễ dàng thu hút cư dân (cũng đồng thời là nguồn nhân lực cho sản xuất, nghiên cứu) và tạo sức sống bền vững cho toàn bộ dự án.

Bù lỗ để vận hành

Không phải tự nhiên mà các nhà phát triển dự án chú trọng đến các đối tượng có nhu cầu định cư tại chỗ. Trước đây, thời điểm thị trường BĐS sôi động (năm 2006 – 2007), đã có không ít khu đô thị vệ tinh ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An hình thành, thanh khoản luôn đạt mức tối đa nhưng sau gần 10 năm vẫn nguyên hiện trạng hoang hóa, xuống cấp, thiếu sự sống. Nguyên nhân là do 90% khách mua của những dự án này là nhà đầu tư đến từ TP.HCM, Hà Nội và các khu vực khác. Điều này có thể thấy ở một số dự án khu dân cư thuộc Thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai), Mỹ Phước (Bình Dương)…

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, nếu nhà phát triển chỉ đơn thuần quan tâm đến việc bán sản phẩm, thu tiền về mà quên trách nhiệm chăm nom, vận hành dự án trong giai đoạn đầu thì chắc chắn khó tránh khỏi tình trạng dự án bị hoang hóa.

Ông Lê Tiến Vũ – Phó tổng giám đốc điều hành Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa, đơn vị đang phát triển Khu đô thị TM – DV và Du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh (huyện Đức Hòa, Long An) nhấn mạnh, bán xong sản phẩm chỉ là một phần, còn phải đánh giá uy tín của một chủ đầu tư với xã hội dựa vào cách họ điều hành dự án sau đó để không bị xuống cấp và vẫn giữ được giá trị.

Với một dự án lớn, nếu DN không triển khai bài bản, không mạnh tay đầu tư cho hạ tầng, công trình phụ trợ… thì sẽ rất khó để đưa các giai đoạn tiếp theo ra thị trường, vì hiện nay, khách hàng khá e ngại việc “chôn vốn” vào một dự án mà không biết đến thời điểm nào mới thu lợi.

Do vậy, song song với việc đưa 4 dự án tại khu đô thị Cát Tường Phú Sinh ra thị trường, Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa cũng đang triển khai các công trình phụ trợ, trong đó có khu du lịch An Tây Hồ 15ha phục vụ cho cư dân trong và ngoài dự án. Thêm vào đó, ở giai đoạn đầu, Công ty tự bỏ chi phí để vận hành dự án (vệ sinh, điện chiếu sáng, chăm sóc cây xanh, đường sá, lắp đặt camera theo dõi từ xa, công viên…).

“Chúng tôi chấp nhận bù lỗ cho các khoản chi phí này đến khi tỷ lệ lấp đầy ở dự án đạt trên 50 – 60%, đây cũng là cách để thu hút dân đến an cư. Một dự án được xem là thành công khi đó là dự án sống”, ông Lê Tiến Vũ nói. Ngoài ra, DN này còn áp dụng chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng, từ tư vấn thiết kế, bản vẽ… cho những khách hàng đăng ký xây nhà.

Tại một số dự án ở Long An như khu đô thị Cát Tường Phú Sinh, khu đô thị Hưng Gia Garden City (Thắng Lợi Group phát triển), Thanh Yến Residence… do người mua tại chỗ (làm việc trong các khu công nghiệp, cư dân từ nơi khác đến làm việc trên địa bàn) chiếm từ 50 – 60%, phần còn lại là mua để dành, mua đầu tư từ TP.HCM nên các khu dân cư mới cũng hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang hoặc nhà xây sẵn lâu ngày không sử dụng dẫn đến tình trạng xuống cấp, lãng phí nguồn vốn.

Theo DNSG