Nghệ thuật kinh doanh gia đình đằng sau chiến dịch tranh cử của Donald Trump

Ông Trump đang áp dụng những công thức thành công của một doanh nghiệp gia đình cho chiến dịch tranh cử của mình.


Ảnh minh họa

Doanh nghiệp gia đình không giống với những mô hình kinh doanh khác. Ngoài động cơ lợi nhuận, doanh nghiệp gia đình còn được kết nối bởi tình máu mủ. Họ nắm trong tay những nguồn lực hiếm như lòng trung thành và sự linh hoạt, nhưng cũng dễ gặp phải các thách thức như lục đục nội bộ và tính gia trưởng của người đứng đầu.

Nếu đi đúng hướng, doanh nghiệp gia đình sẽ không thể bị đánh bại. Theo chiều ngược lại, họ là những thảm họa.

Chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump là điển hình cho cách doanh nghiệp gia đình vận hành. Trump thể hiện mình là người có thể vực dậy nước Mỹ bằng những giải pháp thường thấy ở một doanh nhân chuyên nghiệp.

Nhưng trên thực tế, ông là một nhà quản lý rất đặc thù: Một doanh nhân gia đình thuộc thế hệ thứ hai. Ông thừa kế công ty bất động sản từ người cha Fred, và dựa vào ba người con trưởng thành Donald, Ivanka, Eric và người con rể Jared Kushner để điều hành đế chế kinh doanh của mình.

Khi tranh luận về kỹ năng kinh doanh của Trump, người ta thường quên mất thực tế này. Các chuyên gia vẫn hay chỉ trích mô hình kinh doanh hỗn loạn của Trump. Tập đoàn Trump Organisation có đến 515 công ty thành viên thuộc đủ loại ngành nghề, từ bất động sản, truyền hình, hàng không, cuộc thi sắc đẹp, cho đến sòng bạc.

Nhưng họ quên mất rằng, doanh nghiệp gia đình thường có tinh thần kinh doanh mạo hiểm như thế và các công ty thành viên được gắn kết chỉ nhờ cái tên. Trump đã tránh được hầu hết những thất bại thường thấy của doanh nghiệp gia đình như lục đục nội bộ và tranh chấp quyền thừa kế. Người ta đã nhiều lần chứng kiến những vụ cãi vã giữa anh em nhà tỷ phú Koch hay trận chiến giành quyền thừa kế ông trùm truyền thông Sumner Redstone.

Nghiên cứu của viện doanh nghiệp gia đình Mỹ cho thấy, chỉ 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại đến đời thứ hai và chỉ 12% tổn tại đến đời thứ ba. Trump không chỉ giữ doanh nghiệp của mình nguyên vẹn qua hai cuộc ly dị và nhiều lần cãi vã. Ông còn thành công trong việc dẫn dắt con mình (và con rể) tiếp quản cơ ngơi một cách êm thấm.

Trump đang áp dụng công thức doanh nghiệp gia đình cho chiến dịch tranh cử của mình. Ông tự ra mọi quyết định quan trọng, nhưng cũng dựa vào ba người con trưởng thành cùng với con rể Kushner. Bốn người này đóng vai trò làm trợ lý, đại diện và người chữa cháy cho những lần vạ miệng của ông.

Eric và Donald là những tài sản quý với khả năng thu hút đám đông, những người luôn chán ghét giới quý tộc. Những vị tai to mặt lớn của Đảng Cộng hòa đều phải đi qua những người con của Trump mới có thể tiếp cận ông.

Phong cách quản trị doanh nghiệp gia đình của Trump đã giúp ông thành công khi chạy đua để nhận được đề cử của Đảng Cộng hòa. Doanh nghiệp gia đình thường rất giỏi trong việc phát hiện lợi nhuận ở những nơi mà các tập đoàn lớn bỏ qua. Trump phát hiện thấy tầng lớp lao động đang giận dữ với nền chính trị Mỹ, nơi ưu đãi người giàu bằng cách giảm thuế cho họ trong khi người nghèo chỉ nhận được chiếc bánh vẽ về lòng yêu nước.

Tuy nhiên, phong cách trên đang dần trở thành thảm họa. Những doanh nghiệp gia đình thành công biết khi nào thì cần áp dụng phương pháp quản lý chuyên nghiệp để gia tăng lợi nhuận. Nhưng Trump thì vẫn nghĩ mình đang tranh cử để được đại diện Đảng Cộng hòa chứ không phải là cho chức tổng thống.

Ivanka là một tài sản quý cho chiến dịch tranh cử của Trump. Kỹ năng của cô được mài giũa qua những năm tháng xuất hiện trên show truyền hình “Người tập sự” của cha mình. Nhưng cô đang phải giành phần lớn thời gian để xoa dịu những phát ngôn khinh thường phụ nữ của cha mình thay vì mở rộng thương hiệu của mình tới cử tri.

Chiến dịch tranh cử của Trump hiện nay có đủ mọi dấu hiệu kinh điển của một doanh nghiệp gia đình thất bại: lục đục nội bộ, những thương vụ làm ăn mờ ám trong quá khứ bị phanh phui và thất thế trước chiến dịch tranh cử bài bản hơn của bà Clinton.

Hôm 17/8, Trump đã phải cơ cấu lại đội ngũ tranh cử của mình lần thứ ba. Ông bổ nhiệm Stephen Bannon, một nhà báo bảo thủ, làm người điều hành chiến dịch và Kellyanne Conway, nhà thăm dò dư luận kỳ cựu của Đảng Cộng hòa, làm người quản lý chiến dịch. Nhưng Trump vẫn chưa thành thạo các kỹ năng cơ bản khi điều hành chiến dịch tranh cử, như quảng cáo và thành lập các văn phòng ở địa phương.

Tuy nhiên, trước khi cho rằng Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, cần nhớ các doanh nghiệp gia đình có thể vượt qua những tình huống hiểm nghèo nhất bằng cách tự thay đổi. Sau khi gặp khủng hoảng vì một vụ bê bối nghe lén điện thoại, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã tái cơ cấu thành công News Corporation và giúp tập đoàn của mình tăng trưởng trở lại.

Những người con của Trump, những người duy nhất được cho là có khả năng kiềm chế ông, có thể cứu chiến dịch tranh cử khỏi thất bại thảm hại. Và ngay cả nếu Trump thua, ông có thể biến thất bại chính trị thành thành công trong kinh doanh nhờ ảnh hưởng gây dựng được với cử tri trong quá trình tranh cử.

Chiến dịch tranh cử kiểu gia đình trị của Trump cũng chẳng thể xem là kỳ quặc, khi nước Mỹ đã quá quen với các gia đình chính trị. Trump có thể là ứng viên đầu tiên điều hành chiến dịch tranh cử như một doanh nghiệp gia đình, nhưng nhà Adam, Kennedy, Rockefeller, Bush và đương nhiên là cả vợ chồng Clinton đều xem chính trị là việc gia đình.

Trong khi Hillary Clinton tỏ ra chuyên nghiệp bao nhiêu thì Trump tỏ ra liều lĩnh bấy nhiêu. Nhưng giữa họ có một điểm chung. Bà Clinton dựa nhiều vào người thân trong gia đình, không chỉ chồng mình, Bill Clinton mà còn cả cô con gái rượu Chelsea.

Có một sự giống nhau kỳ lạ giữa Chelsea và Ivanka: Cùng ở độ tuổi 30, cùng cưới những người chồng có cha từng đi tù.

Bà Clinton cũng đã bị chỉ trích vì nhập nhằng công việc của chính phủ với tổ chức từ thiện Clinton Foundation của chồng mình. Lẽ ra người ta đã chĩa mũi dùi công kích vào điểm yếu này của bà, nhưng họ lại bị cuốn vào các phát ngôn bạt mạng của Trump.

Ngay cả khi Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ sẽ không thoát khỏi những vấn đề được tạo ra khi gia đình, việc kinh doanh và chính trị đan xen với nhau.

Theo Trí Thức Trẻ/The Economist