Vốn ngoại đổ vào BĐS, nhà đầu tư nội có thoi thóp?

Nhiều quỹ đầu tư có tiếng trên toàn cầu cũng tỏ rõ sự quan tâm tới lĩnh vực địa ốc ở Việt Nam khi công bố những khoản đầu tư hàng chục triệu đô la vào các công ty địa ốc Việt nhiều tiềm năng.


Ảnh minh họa

Đó là nhận định của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Khảo sát Thị trường Công ty CBRE Việt Nam, trong buổi Hội thảo Đầu tư bất động sản – Cái nhìn dài hạn tại TP HCM ngày 20/8.

Trong buổi Hội thảo này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc CBRE đồng thời là Trưởng bộ phận Tiếp thị Dự án nhà ở của Công ty CBRE Việt Nam, cho hay thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, từ 2014, một quỹ đầu tư lớn của Nhật có tổng tài sản tới 5 tỷ USD đã “mạnh tay” hợp tác kinh doanh địa ốc ở Việt Nam bằng việc cam kết rót 600 tỷ để thâu tóm dự án CityGate tại quận 8 của Năm Bảy Bảy, tiếp đó chính quỹ này cũng đã ký thỏa thuận với Năm Bảy Bảy góp vốn vào 2 dự án khác.

Vừa qua, Creed Group lại tiếp tục gây bất ngờ cho thị trường khi ký hợp tác với An Gia Investment cam kết sẽ rót 200 triệu USD để cùng công ty này phát triển các dự án BĐS tại Tp.HCM.Trả lời trên Báo Đầu tư mới đây, ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Creed Group cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi.

Trường hợp của Creed Group chỉ là một trong nhiều quỹ đầu tư khác đang có dòng tiền ngoại chảy vào địa ốc. Trong đó, nổi lên là dòng vốn từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hongkong hiện là nguồn vốn tích cực nhất.

Ông Kiệt nhấn mạnh rằng, đáng chú ý là nguồn đầu tư đến từ Nhật Bản. Theo ông Kiệt, các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào rất cẩn thận. Họ điều tra bài bản trước khi tiến hành và chọn Việt Nam. Chứng tỏ họ đánh giá rất cao về thị trường bất động sản Việt Nam.

Trước đây, chúng ta thường biết tới dòng vốn chính từ Nhật là ODA đầu vào các dự án hạ tầng giao thông, nhưng nay nhiều công ty Nhật đang đẩy mạnh đầu tư vào địa ốc. Đơn cử như dự án Tokyu Bình Dương. Đây là dự án hợp tác giữa Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) với Becamex IDC, với vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Hiện một dự án thành phần là Sora Gardens I (gồm hai tòa tháp cao 24 tầng) đã hoàn thành; Một tập đoàn khác là Takashimaya vừa khánh thành trung tâm thương mại gây sốt gần chợ Bến Thành, TP HCM.

Nhiều quỹ đầu tư có tiếng khác trên toàn cầu cũng tỏ rõ sự quan tâm tới lĩnh vực địa ốc ở Việt Nam khi công bố những khoản đầu tư hàng chục triệu đô la vào các công ty địa ốc Việt nhiều tiềm năng. Trong số đó, có thể nhận thấy như VinaCapital rót 15 triệu USD vào Tập đoàn Novaland, Warburg Pincus đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail nâng tổng giá trị quỹ đầu tư này đang đầu tư lên 300 triệu USD, Keppel Land của Singapore vừa rót thêm khoảng 7 triệu USD vào Nam Long; Quỹ GEM của Mỹ cũng cam kết sẽ đầu tư 20 triệu USD vào Hoàng Quân…

Nhà đầu tư nội có thoi thóp?

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Khảo sát Thị trường Công ty CBRE Việt Nam, trong buổi Hội thảo ngày 20/8 nhận định đứng từ khía cạnh thị trường thì bà cho rằng càng nhiều các bên tham gia và các bên tham gia càng đa dạng thì thị trường càng phát triển. Không chỉ tại thị trường bất động sản mà tất cả các thị trường, nếu có sự tham gia của nước ngoài, trong nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hóa thì thị trường càng phát triển theo hướng tích cực hơn bởi có sự cạnh tranh.

“Ở thị trường bất động sản, các doanh nghiệp nước ngoài đã tham gia thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian khá dài. Ngay từ những năm 1997 thì lượng FDI vào thị trường bất động sản đã rất cao. Phải nói rằng nhờ có sự tham gia góp vốn của các công ty nước ngoài nhờ lượng FDI vào Việt Nam, thị trường Việt Nam mới có các dự án chất lượng hạng A. Chẳng hạn, các dự án văn phòng, khách sạn hạng A đều có sự góp vốn, liên doanh với công ty nước ngoài”, bà Dung nói.

Giám đốc bộ phận Khảo sát Thị trường Công ty CBRE Việt Nam cho biết thêm thời gian gần đây, mọi người có thể nhận thấy sự tham gia nhiều hơn của các công ty nước ngoài vào thị trường nhà ở. “Chúng tôi không nghĩ là thị trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Bằng chứng là các công ty Việt Nam vẫn phát triển rất mạnh. Chính vì có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài nên các công ty Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam tung ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt. Họ phải tự hoàn thiện đội ngũ nhân sự cũng như sự chuyên nghiệp”, bà Dung cho hay.

Theo bà Dung, đối với người tiêu dùng thì sự đầu tư của các nhà quốc, họ có lợi vì có nhiều lựa chọn. Ví dụ, nhà đầu tư Nhật Bản đã kết hợp với nhà đầu tư Việt Nam ở dự án nhà ở, từ bình dân đến trung cấp chứ không phải cao cấp hay hạng sang như nhiều người vẫn lầm tưởng. Kết quả là người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế với giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Theo Trí Thức Trẻ