Wes Gay – Giám đốc của Millennial Pipeline, một tổ chức chuyên giúp các nhân viên thế hệ Y và các công ty phát triển kỹ năng lãnh đạo và gắn bó với tổ chức, cho rằng đây là một thực tế đáng báo động. Bởi lẽ, trên thực tế khoảng 70% nhân viên đều có mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo trong tương lai và việc các doanh nghiệp không tạo điều kiện để họ hiện thực hóa mong muốn ấy sẽ khiến cho nhân viên thiếu gắn bó lâu dài với tổ chức.
Gay cho biết nhiều nhân viên thế hệ Y và các doanh nghiệp nơi họ làm việc quan niệm sai lầm rằng chỉ cần trao cho một người một chức danh thì người ấy sẽ có thể trở thành nhà lãnh đạo. Nói cách khác, có quá nhiều người nghĩ rằng để tạo điều kiện cho một nhân viên phát huy khả năng lãnh đạo thì chỉ cần thăng chức cho nhân viên ấy là được.
Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu về lãnh đạo như John Maxwell đã từng nói rằng “Lãnh đạo chính là tạo ra ảnh hưởng lên người khác”. Để lãnh đạo người khác, bạn không chỉ cần một chức danh hay một vị trí mà điều quan trọng hơn là bạn phải có khả năng tạo ra ảnh hưởng lên người khác và khiến họ thay đổi theo định hướng của mình.
Vậy thì các doanh nghiệp nên làm gì để tạo điều kiện cho nhân viên thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, nhất là đối với những công ty có cơ cấu tổ chức trải dài theo chiều ngang với rất ít thang cấp bậc, chức vụ?
Theo Gay, với định nghĩa về lãnh đạo như trên thì các công ty có thể tạo cơ hội để nhân viên tạo ra sự ảnh hưởng và thay đổi lên những người khác theo mô hình “lãnh đạo theo giới” của doanh nghiệp sau đây.
Chi nhánh đặt tại Atlanta của Porter Novelli, một công ty hoạt động trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR) toàn cầu, đã tự đặt ra câu hỏi làm thế nào để trao quyền lãnh đạo cho nhân viên mà không làm cho cơ cấu tổ chức chuyển thành “hình tháp nhọn” từ cách đây nhiều năm và cuối cùng đã đi đến quyết định thành lập các “giới” (circles) trong công ty.
Một giới được định nghĩa là một nhóm nhân viên có cùng quan tâm về một đề tài hay lĩnh vực nào đó. Các đề tài có thể bao hàm nhiều vấn đề, từ việc cải thiện một khía cạnh nào đó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho đến những sở thích, đam mê bên ngoài công sở của nhân viên.
Bất cứ nhân viên nào cũng có thể gia nhập hay lãnh đạo một giới nào đó. Cách làm này tạo điều kiện cho các nhân viên trẻ có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo ngoài những công việc hằng ngày của họ.
Các giới khác nhau có thể có những quan tâm khác nhau. Chẳng hạn, “Giới Dịch vụ khách hàng xuất sắc” sẽ tập trung vào việc áp dụng các thực tiễn tốt nhất nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.
Bất cứ ai trong công ty cũng có thể tham gia vào giới này. Và vì thành phần của giới bao gồm nhiều thành viên đến từ các phòng ban khác nhau của doanh nghiệp, nên sẽ có nhiều ý kiến đóng góp phong phú ở nhiều góc độ khác nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung là làm hài lòng khách hàng.
Nhưng quan tâm của các giới không chỉ ở trong công việc. Ở Porter Novelli còn có “Giới Vui vẻ” (Fun Circle). Trọng tâm công việc của giới này là lên kế hoạch tổ chức các buổi tiệc giao lưu, các kỳ nghỉ, các hoạt động thể thao vào các cuộc họp định kỳ hằng tháng.
Những giới như thế sẽ tạo ra một tác động trực tiếp lên các công việc hằng ngày của nhóm. Việc tham gia vào những hoạt động thư giãn ngoài công việc sẽ giúp nhân viên tái tạo năng lượng và quay lại làm việc hiệu quả hơn sau đó cũng như kích thích những suy nghĩ sáng tạo hơn.
Theo Gay, hoạt động của các giới còn tạo điều kiện cho nhân viên thắt chặt quan hệ và tinh thần làm việc đồng đội. Khi được làm việc với các đồng nghiệp ngoài phòng ban chức năng của mình, nhân viên cũng sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hợp tác với nhau tốt hơn trong công việc, góp phần xây dựng được một môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và giảm bớt tỷ lệ nhân viên nghỉ việc.
Theo DNSGCT