3 cách đơn giản để trở thành nhà lãnh đạo lạc quan“

Trên thực tế, không ai sinh ra đã là người lạc quan hay bi quan. Chính bạn là người lựa chọn chiều hướng nhìn nhận sự việc của mình


Ảnh minh họa

Bạn muốn trở thành một lãnh đạo có khuynh hướng lạc quan hay bi quan? Loại trừ đi khả năng lạm dụng quá mức, chắc chắn chúng ta đều sẽ chọn khuynh hướng lạc quan. Sự khác biệt nằm ở “phong cách lý giải” – cách bạn giải thích và nhìn nhận sự việc xảy ra. Những việc tốt trong mắt người bi quan chỉ mang tính tạm thời và không có khả năng lặp lại. Họ càng nếm trải thất bại, lối suy nghĩ “vô vọng” sẽ càng được củng cố trong họ. Không chỉ thế, một khi người bi quan đã sợ hãi điều gì, sự lo lắng về khả năng điều đó xảy ra dần hình thành trong tiềm thức, để rồi họ tự động tìm kiếm những thông tin củng cố thêm nỗi sợ của mình!

Ngược lại, những nhà lãnh đạo lạc quan luôn tin tưởng vào kết quả tốt đẹp trong bất kỳ tình huống nào. Thậm chí khi công việc không thuận buồm xuôi gió, họ vẫn luôn tiến về phía trước và nỗ lực để cải thiện tình hình. Lạc quan cũng chính là chìa khóa trong giao tiếp và tạo ảnh hưởng. Một nhà lãnh đạo luôn sở hữu tầm nhìn cho bản thân và sử dụng tầm nhìn đó để thuyết phục nhân viên hỗ trợ mình. Với khuynh hướng lạc quan, người lãnh đạo có khả năng vẽ nên một bức tranh sinh động với những lợi ích và thành tựu khiến nhân viên cảm thấy hứng thú. Và nhờ năng lượng tích cực của mình, những nhà lãnh đạo lạc quan luôn tạo nên cảm giác vui vẻ và thoải mái trong nhân viên sau mỗi lần tương tác. Với khuynh hướng này, những nhà lãnh đạo có thể giữ vững tinh thần và sự gắn kết của cả nhóm ngay cả trong trong hoàn cảnh khó khăn. 
 
Nhưng trên thực tế, không ai sinh ra đã là người lạc quan hay bi quan. Chính bạn sẽ lựa chọn chiều hướng nhìn nhận sự việc của mình.  Đôi khi sự lựa chọn đó bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh; tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng nếu bạn hiện đang nghiêng về khuynh hướng bi quan nhiều hơn bởi bạn có thể nuôi dưỡng sự lạc quan tiềm ẩn của mình một cách tự nhiên. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn cải thiện sự lạc quan của mình.

Luôn giữ vững mục tiêu đã đề ra

Chắc chắn rằng bạn sẽ luôn gặp phải rất nhiều trắc trở trên con đường đạt được mục tiêu của mình nhưng hãy luôn nhắc nhở bản thân về đích đến cuối cùng của bạn. Đừng bao giờ rời mắt khỏi những mục tiêu cá nhân lẫn nghề nghiệp vì chúng giúp bạn đi đúng hướng dù ở trong bất kỳ tình huống xấu nào.  
 
Loại bỏ những yếu tố tiêu cực

Những yếu tố này bao gồm con người và thông tin. Tâm trạng rất dễ lan truyền và nhiều lúc những yếu tố tiêu cực sẽ lây nhiễm vào suy nghĩ và quan điểm của bạn. Dĩ nhiên bạn không thể loại bỏ những yếu tố này khỏi cuộc sống của bạn, nhưng bạn có thể hạn chế sức ảnh hưởng của chúng và thay thế chúng với những yếu tố tích cực.
 
Sử dụng phương pháp “Tự khẳng định” tích cực

Như đã đề cập, não bộ nhận lệnh từ chủ nhân của nó để tìm kiếm trong tiềm thức những suy nghĩ tương tự trong môi trường xung quanh. Để giảm bớt sự tiêu cực, bạn nên tự nhắc nhở về những điều quan trọng với bản thân cũng như hình mẫu tương lai bạn muốn hướng đến bằng những khẳng định tích cực. Và bạn hãy hình thành thói quen cảnh báo bản thân “Dừng lại đi, dừng lại đi” mỗi khi bạn sắp bị cuốn vào những dòng suy nghĩ tiêu cực. 

“Lãnh đạo là suối nguồn của hy vọng”. Napoleon Bonaparte đã nói điều đó cách đây hàng thế kỷ nhưng câu nói ấy vẫn thích hợp trong thế giới hiện tại. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần mang đến cho nhân viên của mình những năng lượng tích cực, hy vọng và tầm nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo Hrinsider