Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức với doanh nghiệp nước ngoài

Tiềm năng của thị trường bán lẻ hiện đại là rất lớn nhưng các nhà bán lẻ Việt Nam đang rơi vào một cuộc đối đầu không cân sức với các doanh nghiệp nước ngoài.


Ảnh minh họa

Những lối đi riêng

Saigon Co.op là doanh nghiệp nhà nước đang đứng số 1 trong ngành bán lẻ Việt Nam với doanh thu trên 26.000 tỷ đồng (2015). Nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op – ông Nguyễn Ngọc Hòa (nay là Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM) từng chia sẻ mục tiêu của Saigon Co.op đến năm 2020 là duy trì vị trí nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã đạt được trong các năm qua.

Ông Nguyễn Thành Nhân – TGĐ Saigon Co.op cho biết, trong cạnh tranh hiện nay, có thể doanh nghiệp trong nước không mạnh về tài chính, kinh nghiệm, nhưng lại có lợi thế “người Việt hiểu người Việt”.

Về việc doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần liên kết tạo thành khối sức mạnh để đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài, ông Nhân đưa ra 3 lưu ý. Thứ nhất, phải có “chất keo” là lợi ích và hiệu quả để gắn bó các nhà kinh doanh lại với nhau. Thứ hai, phải có “mai mối”, tức là vai trò của các hội doanh nghiệp. Cuối cùng là chính sách tạo điều kiện của Nhà nước.

Vingroup là cái tên mới nổi trong số các doanh nghiệp tư nhân bán lẻ, bắt đầu gia nhập thị trường vào tháng 10/2014 và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi từ giữa năm 2015.

Hiện nay, Vingroup có 880 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM và từ nay đến cuối năm 2019 sẽ mở thêm 10.000 cửa hàng nữa. Quý I/2016, doanh thu từ hệ thống Vinmart và Vinmart+ đạt gần 2.200 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2016 mang về cho Vingroup doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Đây có thể coi là khởi đầu rất ấn tượng của Vingroup bởi Big C Việt Nam phải mất 10 năm xây dựng thị trường mới đạt doanh thu này, còn Vinmart mới ra mắt gần 2 năm. Vinmart+ có mô hình tương tự 7-Eleven. Dự kiến trong vòng 5 – 10 năm tới, Vingroup sẽ có 8.000 – 10.000 cửa hàng loại này. Ngay trong năm 2016, chuỗi Vinmart+ dự kiến có khoảng 2.000 cửa hàng.

Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động đến nay đã mở được gần 20 cửa hàng ở TP.HCM và tất cả đều nằm ở 2 quận vùng ven. Hiện Bách hóa Xanh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm để xây dựng mô hình chuẩn.

Theo phân tích từ Thế Giới Di Động, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam rất tiềm năng với doanh thu 20 – 30 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, các đơn vị như Metro, Big C hay Co.opmart… chỉ mới chiếm khoảng 20% thị phần, nên cơ hội cho Bách hóa Xanh là khá lớn, nhất là cửa hàng ở những con đường nhỏ, hẻm, giữa khu dân cư với lượng hàng hóa phong phú (như rau củ, thịt, các mặt hàng thiết yếu…), giá cạnh tranh trực diện với chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa.

Cửa hàng mà Bách hóa Xanh xây dựng tham khảo từ chuỗi bán lẻ Alfa Mart của Indonesia (với trên 10.000 cửa hàng, Alfamart chiếm hơn 50% thị phần cửa hàng tiện ích của Indonesia với doanh thu trên 3 tỷ USD năm 2014).

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hiện đang có khoảng 70 cửa hàng tiện lợi Satrafood, 2 siêu thị Satramart, 3 cửa hàng Satra Bakery & Café và chợ đầu mối nông – thủy – hải sản Bình Điền. Satra cũng đang sở hữu các thương hiệu hàng đầu về thực phẩm như Vissan, Cầu Tre, Agrex Saigon, Cofidex, APT… Mục tiêu của Satra là 5 năm tới đạt từ 150 – 180 cửa hàng tiện lợi Satrafood, 7 siêu thị Satramart, 5 trung tâm thương mại Centre Mall.

Những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Citimart, Fivimart thì tìm hướng phát triển thông qua bắt tay với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Đây có thể coi là bước đi khôn ngoan tránh thế đối đầu trực diện với các “đại gia” giàu tiềm lực tài chính và kinh nghiệm thương trường.

Khó khăn còn đó

Toan tính bất thành của nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam là Saigon Co.op tại thương vụ mua lại Big C Việt Nam hồi cuối tháng 4/2016 như một cảnh báo về sự lấn lướt của các nhà phân phối nước ngoài.

Liên tiếp trong các cuộc họp định kỳ về kinh tế – xã hội suốt quý II, lãnh đạo TP.HCM tỏ ra sốt ruột với sự lấn lướt này, bởi phân phối là lĩnh vực quan trọng, chi phối trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước, tác động đến việc điều tiết chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát…

Thực tế cho thấy, tại các siêu thị, trung tâm mua sắm do khối ngoại điều hành, tỷ lệ hàng hóa, thương hiệu ngoại đang dần nở nồi trong mối tương quan với hàng Việt. Được biết, năm 2015, các tập đoàn bán lẻ 100% vốn nước ngoài chiếm đến 40% thị phần, dù sự mở rộng của họ còn bị sự chi phối bởi quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM trong các cuộc họp định kỳ nhấn mạnh, hai doanh nghiệp thương mại lớn của Thành phố là Saigon Co.op và Satra phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để mở rộng hệ thống phân phối (chủ yếu là kênh hiện đại), trong đó không loại trừ khả năng liên kết, thậm chí là mua bán – sáp nhập (M&A) những doanh nghiệp cùng ngành.

Liên quan đến câu chuyện mở rộng hệ thống, lãnh đạo TP.HCM đã nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2020, sẽ nâng Satra và Saigon Co.op lên thành tập đoàn, mỗi tập đoàn phải xây dựng ít nhất 2 – 3 trung tâm thương mại chứ không dừng lại ở các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh việc phát triển hệ thống phân phối tại địa bàn trọng điểm là TP.HCM, 2 đơn vị trên phải liên kết với các tỉnh, thành khác để mở rộng mạng lưới.

M&A là giải pháp mà các nhà bán lẻ nước ngoài dùng để mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, M&A lại là thách thức của nhà bán lẻ thuần Việt như Saigon Co.op.

Gần đây, trong buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM, ông Diệp Dũng – Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op chia sẻ, một trong những khó khăn hiện nay là do quy định hợp tác xã chỉ có thể huy động vốn từ xã viên và các hợp tác xã nên Saigon Co.op không thể tham gia huy động vốn từ nhiều nguồn lực để tập trung phát triển mạng lưới, đặc biệt là những công trình có quy mô lớn như trung tâm thương mại ở Nam Sài Gòn (Quận 7), An Phú (Quận 2), các dự án phức hợp tại khu vực trung tâm Thành phố.

Trong khi đó, ngay như Công ty CP Vincom Retail, họ đã huy động được tổng cộng 300 triệu USD từ Quỹ Warburg Pincus (Mỹ) để củng cố năng lực tài chính cho đầu tư phát triển và trở thành công ty tư nhân chưa niêm yết huy động được lượng vốn ngoại lớn nhất tính đến thời điểm tháng 5/2015.

Có thể thấy, ngoại trừ điển hình Vingroup là công ty tư nhân thì các doanh nghiệp bán lẻ khác hoạt động theo mô hình hợp tác xã hay doanh nghiệp nhà nước đang có những khó khăn nhất định do bị nhiều ràng buộc.

Theo DNSG