Đây đó trên báo chí trong và ngoài nước, hay qua các buổi giới thiệu tuyển sinh của các trường đại học dạy về kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam và nước ngoài, chương trình MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) thường được quảng bá dưới hình ảnh là khóa học dạy cho người ta cách trở thành các nhà quản trị, hay với thuật ngữ bình dân hơn, là trở thành những ông, bà giám đốc.
Và không ít sinh viên, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng MBA, tin rằng mình đang ở đẳng cấpcủa một nhà quản trị. Đây là một lối suy nghĩ phổ biến, không chỉ các chương trình MBA này mà cả xã hội đã áp đặt vào những người đã và đang học MBA.
Tuy nhiên, với tư cách là một nhà giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy về kinh doanh, Giáo sư Mintzberg, qua việc bình luận về các chương trình MBA của những trường danh tiếng như Wharton, Harvard và Stanford, từ chương 3 tới chương 6 trong quyển sách này, đã chỉ ra nhiều vấn đề. Người dịch thật sự có ấn tượng sâu sắc với các ý tưởng về “một tầng lớp quí tộc mới”, “bằng MBA có thể quản lý mọi lĩnh vực”, vì dường như nó phản ánh rất đúng những gì đang diễn tiến ở Việt Nam, như cách mà phần lớn người trong xã hội đang tôn vinh những người có bằng MBA (điển hình là những mức lương cao ngất mà nhiều thạc sĩ quản trị kinh doanh được hưởng, hay nhiều người đã khẳng định rằng bằng MBA là một điều kiện để thăng tiến).
Không dừng lại ở đó, với phân tích về khái niệm “khai thác” và “khám phá”, tác giả Mintzberg đã chỉ ra rằng, một nhà quản trị áp dụng các phương thức quản trị kiểu MBA là mang tính khai thác, và dễ thích ứng với các ngành có công nghệ ổn định và thay đổi chậm như hàng tiêu dùng nhanh, nhưng họ sẽ tạo ra thảm họa nếu nhảy vào quản lý một lĩnh vực có công nghệ thay đổi nhanh như ngành máy tính và công nghệ thông tin.
Câu chuyện sinh động về Apple qua lăng kính của tác giả cho ta thấy những nhà quản trị MBA đã làm những công ty công nghệ tàn lụi ra sao, vì họ nhắm đến “khai thác” chứ không “khám phá” cái mới, một điều quyết định sức mạnh công ty trong những lĩnh vực mà công nghệ thay đổi hằng ngày. Nói một cách đơn giản, như tác giả đã trích một quan điểm rất lý thú của Rumelt là “…có thể dạy các chuyên gia xe máy hiểu về chiến lược nhưng không thể dạy các chuyên gia chiến lược hiểu về xe máy”.
Không chỉ chỉ trích những vấn đề trong đào tạo của các trường kinh doanh, rằng dường như chúng dạy người ta về những khía cạnh khác nhau của “kinh doanh” chứ không phải dạy cách “quản lý” như tuyên bố thường xuyên của các trường, tác giả còn đi vào chỉ trích những gì mà sinh viên được dạy trong các trường kinh doanh đã đẩy cả xã hội đi vào tình trạng “vô đạo đức trong kinh tế” và “thoái hóa các giá trị nhân văn”. Những điều này trở nên ngày càng rõ ràng trong những năm gần đây, bất chấp các khóa học MBA đã nỗ lực giới thiệu các học phần về “đạo đức”.
Theo cảm nhận riêng của người dịch, chương 6 là một chương khá đặc biệt, vì nó đưa ra những lập luận và nhận định rất lý thú, đi ngược lại nhiều triết lý hiện đại trong quản trị, ví dụ như triết lý tối đa hóa giá trị cổ đông trong tài chính hay triết lý về chiến lược và luật pháp.
Giáo sư Mintzberg cũng đề cập đến những vấn đề của các phương pháp giảng dạy khác nhau, phê phán những vấn đề của nhiều loại trường khác nhau, bao gồm những trường nặng về giảng dạy phương pháp nghiên cứu, phân tích lẫn những trường thiên về sử dụng tình huống như Harvard. Không mang tính học thuật, tác giả đi từ những dẫn chứng sinh động và những đoạn trích về cảm nghĩ của các sinh viên đã học những trường nổi tiếng để cho người đọc thấy một bức tranh không hoàn toàn màu hồng về những phương pháp giảng dạy tưởng là hiệu quả nhất.
Qua đó, chúng ta thấy được một số vấn đề ở các trường đại học ở Việt Nam khi giảng dạy về kinh doanh. Những cải tiến của một số trường theo phương pháp giảng dạy nước ngoài đôi khi sẽ không mang lại kết quả nào nếu người học thật sự không phù hợp với phương pháp đó. Mặt khác, các phương pháp giảng dạy tưởng như tuyệt vời đôi khi lại đơn giản hóa vai trò của việc quản lý về thành ra quyết định rồi từ ra quyết định về phân tích, rồi phân tích lại thành một kỹ năng nhỏ hơn nữa. Hóa ra, các sinh viên MBA không chạm được tới mức độ thật sự của “thực tiễn cứng rắn của quản lý” và thiếu những kỹ năng mềm, dù nhiều trường tuyên bố là có dạy điều đó.
Một điểm đáng chú ý khác của quyển sách này là cách mà Minztberg hình dung về những cấp độ khác nhau của sự ưa thích quản lý và ưa thích kinh doanh trong một người, từ đó xác định người đó nên giữ vai trò nào trong xã hội. Ngoài ra, những đề cập của ông về những trường dạy quản lý thật sự (chứ không phải là dạy về các chức năng của kinh doanh) cũng rất đáng suy ngẫm, đặc biệt là cho những người làm công tác đào tạo về quản lý và tuyển dụng nhà quản lý tương lai, cũng như cho những người đang học về quản lý.
Ngay cả với những ai không liên quan nhiều đến lĩnh vực quản lý, quyển sách này cũng cung cấp một nguồn tư liệu tốt về “một sự thật khác” của giáo dục quản lý ở các trường đại học, dù là trong hay ngoài nước, để từ đó có thể có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề giáo dục quản lý. Những thông tin trong quyển sách này sẽ hữu ích cho những nhà hoạch định chính sách giáo dục, những người có ý định cho con em đi học về quản lý, những nhà quản lý định cho nhân viên hay chính bản thân học về quản lý, và cuối cùng là cho chính những người đang dạy về quản lý ở các trường chuyên dạy MBA.
Theo Saga