Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, CafeBiz đã thực hiện một chuỗi bài viết về các doanh nhân, để lắng nghe những chia sẻ về môi trường kinh doanh, những câu chuyện kinh doanh, và tâm tư trăn trở của họ. Mời quý độc giả đón đọc.
Bảy năm trước, Joe Jones (tên thật của nhân vật đã được thay đổi) quyết định bỏ việc tại một công ty lớn niêm yết trên sàn Nasdaq để tự kinh doanh.
Joe cảm thấy chán ngấy với cảnh sáng đi tối về khi làm thuê và muốn thử thách bản thân. Tuy nhiên trở thành một doanh nhân khó khăn hơn nhiều, đó là liên tiếp những hố sâu và ngõ cụt, chứ không phải là con đường bằng phẳng như anh hằng tưởng tượng.
Nếu trước đây khi làm thuê, Joe chỉ cần chú tâm vào công việc của mình, chẳng cần bận tâm tí gì đến chuyện quản lý hay xây dựng mạng lưới xã hội, thì giờ anh phải tự học cách làm mọi thứ, thậm chí những điều chưa từng nghĩ tới trước đây.
Trách nhiệm đè nặng trên vai. Những nỗi lo lắng về vô số vấn đề của cuộc sống luôn quẩn quanh trong tâm trí: Liệu có thể tiếp tục giữ chiếc ô tô hay có trả được khoản tiền vay tháng này hay không? Tất cả bỗng trở nên hỗn độn. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Jones cũng đã gặt hái được thành công cho công ty. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân khác không có được may mắn như vậy.
Báo chí thì không ngớt lời ca ngợi, trầm trồ trước dinh thự của Bill Gates hay Richard Branson, những doanh nhân được tôn sùng khi giúp thay đổi thế giới. Các chính trị gia lại ca ngợi doanh nhân như những người tạo ra của cải. Tuy nhiên, cuộc sống của một doanh nhân không phải lúc nào cũng màu hồng: Họ phải trả lương cho nhân viên, thuyết phục nhà đầu tư, làm ăn với đối tác, tạo niềm tin với nhà băng, chăm sóc chu đáo các khách hàng và hàng trăm nghìn vấn đề liên quan khác.
Phil Libin – ông chủ Evernot – một dịch vụ lưu trữ dữ liệu kết luận: “Làm doanh nhân là một công việc khó khăn kinh khủng. Bạn sẽ không có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không có thời gian cho gia đình và phải làm việc cực kỳ chăm chỉ”.
Aaron Levie – nhà sáng lập Box – một công ty lưu trữ điện toán đám mây thì kể khổ, anh suốt 2 năm rưỡi anh phải ngủ trên đệm ở văn phòng, sống bằng những hộp mì và spagetti.
Còn Vivek Wadhwa – một doanh nhân khác, phải chịu đựng cơn đau tim khi mới chỉ 45 tuổi, sau khi IPO thành công một công ty và khôi phục một công ty khác nữa.
Nghiên cứu của trường ĐH Harvard trong giai đoạn 2000-2015 cho thấy, một nửa các công ty khởi nghiệp tại Mỹ chỉ tồn tại trong 5 năm. Những công ty sống sót cũng rất khó khăn. Shikhar Ghosh đến từ Trường kinh doanh Harvard nói rằng 3/4 các công ty khởi nghiệp được chống lưng bởi những nhà đầu tư mạo hiểm không thể hoàn lại lợi nhuận cho các quỹ này.
Trong năm 2000, Barton Hamilton đến từ Đại học Washington tại St Louis đã so sánh mức thu nhập của nhân viên và doanh nhân Mỹ và đưa ra kết luận có phần “đau lòng”: Doanh nhân kiếm được ít hơn 35% so với người làm thuê có cùng trình độ.
Ai cũng nói cách tốt nhất để tránh sự cô đơn trong quá trình khởi nghiệp là tìm một người bạn làm đồng sáng lập. Nhưng chẳng ai cảnh báo, hành động đó sau này thường dẫn tới những cuộc đấu giành quyền lực, địa vị và tiền bạc vô cùng khốc liệt, giống như câu chuyện đã diễn ra với Facebook.
Còn cách tốt nhất để tăng trưởng thật nhanh là tìm kiếm nhiều nhà đầu tư hơn và sở hữu nhiều nhà quản lý chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, lối tắt này dễ khiến các ông chủ mất kiểm soát. Thực tế thì rất ít nhà sáng lập vẫn là CEO khi công ty của họ lên sàn.
Với đủ thứ áp lực bủa vây sẽ bóp nghẹt tinh thần các doanh nhân, ngay cả người cứng rắn nhất cũng trở nên cực kỳ căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức.
Giảng viên tâm lý John Gartner đến từ Đại học Johns Hopkins cho biết, có một lượng không nhỏ các doanh nhân bị mắc chứng hypomania (hưng cảm) – trạng thái tâm lý hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích thích, cáu kỉnh, khuấy động và/hoặc đầy năng lựợng. Hàng loạt nghiên cứu khác cũng xác nhận, ít nhất họ bị mắc chứng bệnh lạc quan thái quá.
Vậy làm thế nào để đối mặt với mặt tối của cuộc sống doanh nhân?
Wadhwa nói rằng các nhà sáng lập công ty nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, dành thời gian luyện tập thể dục và học cách nghỉ ngơi.
Ông Jones cũng chia sẻ thêm rằng những doanh nhân tạo lập công ty cũng cần suy nghĩ kỹ về việc xây dựng mạng lưới xã hội.
Ý tưởng cho rằng một doanh nhân có thể một mình gây dựng cơ đồ thực sự rất nguy hiểm. Bất kỳ ai cũng cần những người bạn hay một vị cố vấn bên cạnh. Tổ chức doanh nhân EO với hơn 10.000 thành viên từ 46 quốc gia trên thế giới thường tổ chức các buổi gặp gỡ để trao đổi về cảm xúc cũng như các vấn đề khó khăn trong kinh doanh. Thậm chí, The Kauffman Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và thúc đẩy tinh thần doanh nhân còn cung cấp những khoá học trực tuyến về “cách sống sót” cho một doanh nhân.
Cuối cùng, các doanh nhân cũng cần học cách sống chung với thất bại, coi đó như “kinh nghiệm học tập” dù cho nó như một “cú đấm” trực diện vào mặt. Dean Shepherd đến từ trường kinh doanh Indiana nói rằng sẽ có một vài doanh nhân gặp thất bại và họ cảm thấy đau khổ như mình vừa “suýt chết” hay li hôn. Một số khác tìm cách sửa chữa những sai sót và mất mát.
Nghịch lý của những quan niệm về doanh nhân hiện tại là khiến chúng ta đánh giá thấp những thành tựu của họ. Nếu chỉ tập trung vào một số ít câu chuyện của những người thành công, bạn dĩ nhiên sẽ hâm mộ, khâm phục và thậm chí ghen tị. Tổng thống Obama từng nói: “Nếu không tự xây dựng doanh nghiệp của mình, người khác sẽ thuê bạn xây dựng doanh nghiệp của họ”. Tuy nhiên, đáng tiếc mọi người đã bỏ qua tất cả những khó khăn, hy sinh mà doanh nhân phải chịu đựng, cống hiến cả cuộc đời.
Cuối cùng, bất kỳ ai đang có tham vọng trở thành doanh nhân đều nên xem xét kỹ lưỡng những rủi ro có thể gặp trước khi bắt tay vào làm. Còn xã hội thì nên có cái nhìn sâu hơn, trân trọng hơn những người đã dành tâm huyết, tài sản, thậm chí cả cuộc sống để gây dựng, tạo lập các doanh nghiệp.
Theo Trí Thức Trẻ