5 lời khuyên cho doanh nhân muốn theo đuổi tấm bằng MBA

Mục đích theo học một chương trình MBA cũng đang thay đổi theo thời gian và xu hướng phát triển của các nền kinh tế.
   


Ảnh minh họa

Khi nghĩ về con đường đi đến thành công của các doanh nhân nổi tiếng trên thế giới, người ta thường bắt gặp hai hình ảnh đối lập. Một bên là những người thành công từ khi còn rất trẻ với tính cách thiếu kiên nhẫn nhưng quyết đoán và họ thường nghỉ ngang khi đang học đại học. Đó là những nhân vật như Mark Zuckerberg hay Bill Gates. Ngược lại, là những doanh nhân có kiến thức sâu rộng, tự tin và thường sở hữu một tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA).

 Nhiều năm trước đây, sinh viên thường theo đuổi một tấm bằng MBA để có được một việc làm trong công ty hay tập đoàn lớn. Họ xem đó là hành trang để thăng tiến trong công ty hay để trở thành những nhà tư vấn quản trị với mức thu nhập hậu hĩnh. Nhưng hiện nay, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều người theo học MBA vì muốn thành lập doanh nghiệp cho riêng mình hoặc để vận hành tốt hơn công ty mà họ đã thành lập trước đó. Không ít người đã mở công ty khi đang còn trên giảng đường đại học.

Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng nói trên. Trường hợp của Kelvin Teo (người Malaysia) và Wijaya từ Indonesia là một ví dụ. Cả hai gặp nhau ở Trường Kinh doanh Harvard vào năm 2014 và đi đến quyết định thành lập Funding Societies, một “startup” (công ty trẻ mới được thành lập) chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tài trợ lẫn nhau (pear-to-peer financing) ngay khi đang theo học MBA. Dự án này là một sự hợp tác với DBS Bank, ngân hàng hàng đầu ở Singapore.

“Tại Đông Nam Á, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất thiếu nguồn vốn cơ bản cho hoạt động”, Wijaya chia sẻ lý do dẫn đến sự ra đời của Funding Societies. Tính đến tháng 4-2016, startup này đã thu xếp được 4,1 triệu USD vốn vay cho các doanh nghiệp tại khu vực và có một đội ngũ nhân sự 39 người làm việc tại các văn phòng ở Indonesia và Singapore, theo số liệu của Bloomberg.

Những kiến thức có được từ một chương trình MBA đã tạo cho Teo và Wijaya có thêm tự tin để vận hành Funding Societies và đưa công ty đi đến thành công nói trên. Oliver Segovia, nhà sáng lập của ava.ph, một trang web chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang, giày dép và túi xách cao cấp ở Philippines là một minh chứng khác về lợi ích của việc theo học MBA. Từng là sinh viên tại Harvard, Segovia cho biết việc sở hữu một tấm bằng MBA đã cho anh thêm sự tự tin để thành lập công ty riêng.

Sau khi tham gia khóa học, Segovia cảm thấy rằng ít nhất anh cũng có được những kiến thức có giá trị từ thực tiễn cũng như hàng loạt bài tập tình huống như những bạn học khác từ khắp nơi trên thế giới. Đối với Segovia, tấm bằng MBA còn là một “hợp đồng bảo hiểm việc làm”. “Bất kể chuyện gì xảy ra thì tôi cũng có thể có được một việc làm”, Segovia chia sẻ. MBA đã giúp anh mở rộng tầm nhìn ra phạm vi quốc tế và dạy cho anh ngôn ngữ của thế giới kinh doanh hiện đại.

Đối với Jerome Uy, một cựu sinh viên MBA khác, việc theo đuổi chương trình học này tạo điều kiện cho anh mở rộng quan hệ, hỗ trợ cho quyết định thành lập medgrocer.com, một dịch vụ trực tuyến chuyên nhận đặt và giao dược phẩm được sản xuất theo giấy phép. “Mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn sau khi tôi học MBA”, Uy chia sẻ.

Trong một sự kiện họp mặt các doanh nhân trẻ tại khu vực Đông Nam Á do Kickstart Ventures tổ chức tại Manila mới đây, Uy và Segovia đã đưa ra những lời khuyên sau đây cho các doanh nhân đang nghĩ đến việc theo đuổi một tấm bằng MBA.

1. Không nên chạy theo một tấm bằng MBA vì những mục tiêu sai lầm

Mưu cầu danh tiếng là một trong những mục tiêu ấy. Segovia khuyên không nên theo học chỉ vì áp lực từ bố mẹ hay bạn bè. Kỳ vọng có được một mức lương cao hơn cũng là một mục tiêu sai lầm khác. Segovia quan niệm rằng theo đuổi một việc gì đó chỉ vì những lợi ích tài chính thường sẽ không mang lại nhiều kết quả tốt đẹp trong bất cứ trường hợp nào.

2. Cân nhắc kỹ những thứ sẽ phải hy sinh khi học MBA

Segovia khuyên các doanh nhân nên suy nghĩ cẩn thận trước khi theo học một chương trình MBA vì nó sẽ lấy đi không ít thời gian, sức lực và những chi phí cơ hội khác trong kinh doanh. Theo Uy, các doanh nhân nên tự đánh giá hiệu quả của việc đầu tư vào một tấm bằng MBA bằng câu hỏi: “Tôi sẽ phải hy sinh điều gì trong hai năm tới?”.

3. Nên nghỉ ngang ngay lập tức khi thực tế không đáp ứng kỳ vọng

Suy cho cùng, mục đích học MBA cũng chỉ để giúp các doanh nhân cải thiện hoạt động của công ty mình. Uy khuyên, nếu việc học làm cho các doanh nhân ngày càng xa rời với công việc của họ thì tốt nhất không nên tiếp tục nữa.

4. Không nên quá lệ thuộc vào bằng cấp

Nhiều người vẫn có thể theo học các chương trình MBA mà không coi trọng việc có lấy được bằng hay không. Dĩ nhiên, có được tấm bằng trong tay là một điều tốt, nhưng theo Segovia, lĩnh hội và vận dụng được những kiến thức, kỹ năng từ các chương trình MBA mới là điều quan trọng. Segovia cho biết hầu hết các nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ ở Philippines có bằng MBA đều thể hiện thế mạnh rõ rệt về các kỹ năng quản trị và triển khai dự án, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh. Evelyn de Socorro là một ví dụ.

Khi đang chuẩn bị bảo vệ luận văn MBA tại Trường Kinh doanh De La Salle vào năm 2014, Socorro đã buộc phải dừng lại việc học vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, Socorro cho biết những kiến thức đã học được đủ giúp cô làm tốt nhiệm vụ của mình ở vị trí giám đốc cấp cao của một công ty dịch vụ hỗ trợ BPO (business process outsourcing) có trụ sở chính ở Ortigas và nhiều chi nhánh ở các thành phố lớn khác của Philippines.

5. Nên hiểu còn nhiều con đường khác để đi đến thành công

Mặc dù nhìn nhận rằng việc học MBA đã bổ sung cho mình nhiều kiến thức còn thiếu khi học đại học hoặc từ công việc thực tiễn, Segovia vẫn cho rằng: “Nhiều người vẫn có thể thành công mà không cần đến MBA”. Theo anh, có nhiều cách khác để doanh nhân không ngừng thu thập những kiến thức tương tự như khi học MBA, trong đó internet chính là nguồn thông tin vô cùng rộng lớn để khai thác.

Ngoài ra, hiện nay một số trường đào tạo kinh doanh cũng đang xây dựng các chương trình học ngắn hạn theo nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau để các doanh nhân có thể chọn tham gia một số khóa học có liên quan nhiều nhất đến hoạt động của mình.

Theo DNSG