Tái cấu trúc doanh nghiệp: khi nào? Mô hình nào?

Mọi doanh nghiệp đều phải liên tục tái cấu trúc, nhưng tùy theo quy mô mà tiến hành. Bước đầu có thể lựa chọn làm trọng tâm, trọng điểm, sau có thể chỉnh sửa và làm mới hoàn toàn mô hình. Đó là chia sẻ của ông Tạ Châu Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Social CRM., đơn vị đang tư vấn về tái cấu trúc cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.


Ảnh minh họa

Khi nào?

Hành vi tiêu dùng và văn hóa xã hội – những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới doanh số – liên tục tiến hóa, do vậy, ngay cả với những doanh nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả vẫn cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc tái cấu trúc, theo ông Sơn. 

Ông Sơn nói: “Theo kinh nghiệm quản trị và điều hành công ty của tôi thì lúc nào cũng có việc và khu vực để tái cấu trúc trong doanh nghiệp. Nếu không có doanh số tức là có lỗi, nếu lợi nhuận thấp cũng có lỗi trong quản trị. Do vậy bình thường coi là rút kinh nghiệm và điều chỉnh, còn với doanh nghiệp cỡ lớn thì quy trình tái cấu trúc doanh số tối đa, quản trị tối ưu, nguồn vốn phát triển bền vững phải làm thường xuyên vì hệ thống lớn thì “quán tính lớn – chi phí lớn”, có thể sập cả hệ thống nếu không đạt doanh số theo kế hoạch”.

Vậy còn với các doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, thậm chí bộ máy chưa hoàn thiện thì sao? 

Theo ông Sơn, “các doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường ở tình trạng thiếu tài nguyên như công nghệ, vốn, kỹ năng bán hàng…, nên tất yếu phải tái cấu trúc liên tục, tìm kiếm giải pháp và quy trình tối ưu là việc cần làm nghiêm túc”.

Ông phân tích: “Vừa qua Việt Nam có lượng doanh nghiệp phá sản rất lớn là do các doanh nghiệp này chưa thực sự thấy nguy cơ cần phải tái cấu trúc. Ví dụ đã có dấu hiệu không có doanh số thì thông thường các doanh nghiệp này lại co lại, tiết kiệm, loay hoay tìm vốn đầu tư, trong khi cần phải nghiêm túc xem lại cấu trúc sản phẩm, mô hình kỹ thuật bán hàng, đầu tư tiếp cho PR, xây dựng dự án với biểu đồ dự báo dòng tiền chính xác hơn để huy động vốn. Logic khởi nghiệp cũng có vấn đề lớn, vì các mô hình khởi nghiệp chưa đánh giá hết được thị hiếu khách hàng và thực sự chưa biết bán”.

Mô hình nào?

Ông Sơn cho biết, hiện nay có nhiều mô hình tái cấu trúc như sử dụng mô hình startup để tinh gọn bộ máy, hoặc tối ưu hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp bằng ERP. VNPT, Viettel, FPT, VinGroup… đều đã ứng dụng ERP để tái cấu trúc khu vực quản trị. Điển hình là Vincom đang áp dụng mô hình startup để xây dựng nghiệp đoàn với nhiều công ty thành viên kinh doanh trên một nền tảng chung, tinh gọn, dùng chung, hạn chế tối đa tiêu sản.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, hiện chưa có một mô hình nào là tối ưu, vì tùy theo quy mô và cam kết của doanh nghiệp, quy trình có thể chia nhỏ thành các công thức và nguyên tắc để tái cấu trúc từng phần chứ không có tái cấu trúc toàn diện. Nhưng ông khẳng định cách thức để tiến hành tái cấu trúc là “Con người – Quy trình – Công nghệ”, và trong thời đại hiện nay thì nên áp dụng mô hình chia sẻ, dùng chung, kết hợp nguồn lực để tái cấu trúc. Theo đó, mô hình cộng đồng cùng đóng góp tài nguyên và cùng vận hành, kiểu Uber và Airbnb, có thể xem là mô thức tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp mới.

Nội dung trên được lược trích từ bài phỏng vấn của PV Báo Đầu tư với ông Tạ Châu Sơn.

Theo DNSG