Tỷ giá USD/VND đã có những diễn biến đáng chú ý trong tuần cuối tháng 10 vừa qua, khi tỷ giá trung tâm niêm yết ngày 29/10 là 22.045 đồng, tăng 26 đồng so với cuối tuần trước đó và tăng 96 đồng so với tháng 9/2016. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng liên tục được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường. Một số nhận định cho rằng thị trường ngoại hối đang có dấu hiệu “nổi sóng” trở lại vào những tháng cuối năm.
Cầu ngoại tệ đang tăng?
Nhu cầu vay vốn ngoại tệ đang tăng trở lại kể từ giữa quý III đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục cao trong những tháng còn lại của năm, nhất là khi quy định cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ngoại tệ sẽ kết thúc vào 31/12/2016 theo Thông tư 07/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Với chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức quanh 3% thì rõ ràng doanh nghiệp vẫn ưa chuộng vay USD hơn.
Báo cáo tài chính quý III/2016 của các ngân hàng cũng cho thấy dư nợ cho vay ngoại tệ đã tăng đáng kể so với quý II, phản ánh việc vay ngoại tệ đã sôi động trở lại sau 2 tháng bị đứt quãng vào tháng 4 và tháng 5 năm nay.
Chẳng hạn, dư nợ cho vay ở Vietcombank sau khi đã giảm trong 6 tháng đầu năm thì trong quý III đã tăng trở lại với mức tăng 12,2% so với quý II, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,4% của VND quý III so với quý II. So với đầu năm, dư nợ cho vay ngoại tệ của Vietcombank cũng đang có mức tăng 8,7% nhờ vào sự tăng trưởng mạnh trong quý III.
Nhu cầu vay hoặc mua ngoại tệ để nhập khẩu trong những tháng cuối năm cũng sẽ tăng cao theo tính mùa vụ. Theo Tổng cục Thống kê, sau khi xuất siêu 864 triệu USD trong tháng 9, tháng 10 đã chuyển sang nhập siêu 200 triệu USD. Tình hình nhập siêu dự kiến có thể tiếp tục tăng lên trong 2 tháng còn lại của năm nay.
Trong khi đó, trước những thông tin cho phép thí điểm phá sản ngân hàng đã ít nhiều gây hoang mang thị trường tài chính, và không loại trừ khả năng đã kích thích tiền gửi từ dân cư chuyển dịch sang nắm giữ ngoại tệ như là một kênh đầu tư an toàn.
Với việc nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất tiền gửi VND vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đến tháng 10 đã tăng 4% so với đầu năm, thì kênh tiền gửi ngân hàng có thể giảm dần sức hấp dẫn, nhất là khi nhiều dự báo cũng cho rằng khả năng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay có thể giúp đồng USD tăng mạnh so với các loại tiền khác.
Tuy nhiên, với việc đã giữ tỷ giá ổn định trong suốt 10 tháng qua, NHNN còn khá nhiều dư địa để điều hành thị trường ngoại hối trong những tháng cuối năm nay. So với đầu năm, tỷ giá USD/VND chỉ mới tăng 149 đồng, tương đương mức tăng 0,68%. Đây được xem là giai đoạn điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt và thành công nhất của NHNN những năm qua.
Đã qua thời “ăn đong”
Nếu như những năm trước đây thị trường ngoại hối luôn “nổi sóng” trước nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến trong những tháng cuối năm, trong khi nguồn lực dự trữ có hạn và chính sách điều hành tỷ giá cứng nhắc khiến NHNN khó xoay xở để ổn định thị trường, thì hiện nay nguồn lực dồi dào hơn và chính sách điều hành linh hoạt hơn đã giúp NHNN có thể can thiệp và điều hòa thị trường ngay mỗi thời điểm có dấu hiệu căng thẳng.
Phát biểu trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên hơn 40 tỷ đô la Mỹ – mức cao nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm đến hết tháng 9, NHNN đã mua vào khoảng 11 tỷ USD.
Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt thì cơ quan này đã tiếp tục mua vào 100 triệu USD trong tuần từ 17 – 21/10. Chính sách điều hành tỷ giá trung tâm theo hướng tăng giảm linh hoạt từ đầu năm đến nay đã phần nào hạn chế tâm lý đầu cơ ngoại tệ.
Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thời gian gần đây cũng đã cải thiện đáng kể so với giai đoạn “ăn đong” như trước đây. Theo thống kê của NHNN, quý II/2016 thặng dư 3,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư 6 tháng lên 6,67 tỷ USD. Đây là con số tích cực nếu so với mức thâm hụt 6 tỷ USD trong năm 2015.
Đạt được kết quả trên một phần nhờ vào thương mại tiếp tục duy trì kết quả khả quan, theo đó xuất siêu trong 6 tháng đầu năm là hơn 7 tỷ USD. Còn theo cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua đạt 140,6 tỷ USD, giúp xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,52 tỷ USD.
Kết quả điều hành tỷ giá ổn định đã giúp NHNN có nhiều dư địa hơn trong chính sách tiền tệ, theo đó có thể nới lỏng tiền tệ, không gây thêm áp lực lên lạm phát và giảm lãi suất VND để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Thách thức sắp tới của NHNN là xây dựng được chính sách ngoại hối vừa đảm bảo vị thế của VND nhưng vẫn đảm bảo được sức cạnh tranh quốc gia của hàng xuất khẩu.
Để làm được điều này, ngoài việc nâng cao giá trị và chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường, duy trì mặt bằng lãi suất vay vốn phù hợp, đủ sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, thì việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo sát diễn biến thị trường tiền tệ thế giới là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh đồng USD đang tăng trở lại nhưng các quốc gia khác lại nới lỏng tiền tệ thông qua các gói nới lỏng định lượng hoặc duy trì chính sách lãi suất âm.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tiếp tục thực thi chính sách hạn chế đô la hóa sẽ ngày càng nâng cao vị thế của VND. Thực tế cho thấy chính sách hạn chế đô la hóa của NHNN những năm qua đã mang lại kết quả tích cực, theo đó đã hạn chế dần nhu cầu vay gửi USD cũng như triệt tiêu dần tâm lý đầu cơ ngoại tệ.
Theo DNSG