Trong phiên họp Quốc hội chiều 3/11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết ông đồng tình với báo cáo của Chính phủ về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng trong quá trình tái cơ cấu. Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân giải thích sự khác nhau giữa tái cơ cấu ngành và tái cơ cấu một doanh nghiệp.
Theo đó đối với một doanh nghiệp, doanh nghiệp bởi người chủ doanh nghiệp điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi mệnh lệnh đều được cấp dưới thực hiện và chủ DN sẽ quan tâm, đeo bám việc tái cơ cấu bởi đó là lợi ích của mình.
Trong khi với một ngành, trong dây chuyền sản xuất có 3 khâu là 3 khâu là cung cấp đầu vào, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bán ra thị trường với nhiều doanh nghiệp với đủ loại thành phần từ DN Nhà nước, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài… tham gia. Vì vậy, không có ai là chủ sở hữu của dây chuyền sản xuất của cả một ngành và do đó không có ai có quyền ra lệnh cho tất cả các khâu. Vì vậy, để tái cơ cấu một ngành, cần sự phối hợp của các doanh nghiệp ở cả 3 khâu.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng quá trình tái cơ cấu các ngành vừa qua thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó cần hợp tác công- tư trong tái cơ cấu ngành để doanh nghiệp cùng Nhà nước bàn xem thị trường đang làm gì, nên tập trung cho sản phẩm nào của ngành, doanh nghiệp làm được gì, Nhà nước hỗ trợ như thế nào… để có thể tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả.
“Tái cơ cấu bắt đầu từ đâu” là vấn đề được ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra. Ông cho rằng vốn là yếu tố rất quan trọng trong phát triển kinh tế, trong điều kiện nợ công còn cao thì cần phát huy vốn trong dân, vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối. Tuy nhiên bên cạnh đó có nguồn lực rất quý giá và là lợi thế vô cùng quan trọng là nguonf nhân lực. Phân tích tương quan với một số nước châu Á, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có lợi thế trong khoảng 30 năm nữa.
Về năng suất lao động, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phân biệt năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Theo đó nếu được đầu tư trang thiết bị như nhau, năng suất lao động kỹ thuật của công nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tương đương các nước khác.
Ví dụ ngành dệt may, điện tử, nếu thiết bị công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư như ở nước ngoài thì năng suất lao động của người Việt không hề thua kém hay trong nông nghiệp năng suất lúa, điều, nuôi cá tôm đều thuộc vào loại cao nhất thế giới.
Theo thời đại