Việt Nam – lò đào tạo nhân sự cho đặc khu kinh tế Mekong

Việt Nam + 1 là một trong 2 mô hình chủ chốt tại đặc khu kinh tế Mekong, nhằm chuyển giao kỹ năng và thực hiện các chương trình ‘đào tạo cho người có vai trò đào tạo’.


Ảnh minh họa

Hai doanh nghiệp tại đặc khu kinh tế Thilawa – Myanmar – đang tuyển dụng các quản lý có tay nghề từ Việt Nam, hoặc gửi lao động địa phương tới đào tạo tại các nhà máy tại Việt Nam.

Một thực tế là, công ty phải trả cả chi phí chìm trong đào tạo và đối diện với rủi ro mất nhân viên lành nghề nếu các công ty đối thủ trả mức lương cao hơn sau đào tạo, do nguồn nhân lực ở Myanmar tương tự như Campuchia, mức lương cực nhạy cảm đối với các nhân sự sở hữu kỹ năng sản xuất và năng lực tiếng Anh dù ở mức cơ bản .

Mặc dù vậy, cả hai công ty trên đều đầu tư mạnh tay vào việc đào tạo nhân sự. Theo quy định của lao động nước ngoài làm việc tại địa phương, khoảng 75% nhân viên tại các công ty phải là người bản địa, số nhân sự còn lại chủ yếu là người Việt, và được hỗ trợ bởi một đội ngũ quản lý đa quốc gia.

Giải pháp của công ty để giải quyết vấn đề thiếu công nhân lành nghề là tổ chức các chương trình đào tạo tổng quát được tiến hành bởi những nhà quản lý Việt Nam, đồng thời gửi các tân binh đi học một khóa đào tạo ban đầu kéo dài 1 tháng tại Việt Nam để học các kỹ thuật hàn, công tác xuất nhập khẩu, tiếp thị, và đào tạo nhân lực.

Một công ty cho biết đây lần đầu tiên lao động địa phương được làm việc trong một môi trường nhà máy hiện đại, điều này tối quan trọng đối với họ khi lần đầu trải nghiệm một dây chuyền sản xuất hiện đại trông ra sao và vận hành thế nào.

Công ty này cũng đưa ra bộ chỉ số về việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng lao động. Theo đó, hiểu ngắn gọn là khi sự có mặt của các lao động nước ngoài bên dây chuyền sản xuất không còn là bắt buộc, có nghĩa khoảng cách kỹ năng lao động đã được rút ngắn một cách hiệu quả và chương trình “Train the trainers” (đào tạo cho người có vai trò đào tạo) có thể được coi như thành công.

“Train the trainers” là một trong những nội dung của mô hình Việt Nam + 1 trong Đặc khu kinh tế Mekong, một khảo sát chuyên sâu của ngân hàng ANZ cho biết.

Theo ANZ, Đặc khu kinh tế Mekong ra đời (gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và một phần Trung Quốc) cho phép các nền kinh tế thay đổi cơ cấu thông qua sự kết hợp của 2 mô hình:

– Mô hình Thái Lan + 1 về chuyển giao công nghệ và nhu cầu vốn

– Mô hình Việt Nam + 1 về chuyển giao kỹ năng và thực hiện các chương trình “đào tạo cho người có vai trò đào tạo” (Train the trainers).

Chuyển giao kỹ năng là một yếu tố hiển nhiên đã tồn tại trên tất cả các nền kinh tế Mekong, trong đó, Việt Nam là trung tâm khởi nguồn cho việc chuyển giao này.

Bên cạnh đó, chương trình “đào tạo cho người có vai trò đào tạo” tỏ ra có hiệu quả khi vừa tạo động lực cho người tài, giúp “giữ chân” đội ngũ lao động có kỹ năng, đồng thời cũng là phương thức để chuyển giao kỹ năng sâu hơn trong nội bộ doanh nghiệp của từng quốc gia.

Cũng theo Ngân hàng ANZ, Việt Nam được ví như thỏi nam châm hút FDI trong khu vực.

Trong số các nền kinh tế Mekong, “dường như Việt Nam sẽ di chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn với tốc độ nhanh hơn dự kiến” – ANZ nhận định.

Những nền kinh tế bên ngoài như Campuchia, Lào và Myanmar cũng được hưởng lợi từ việc này khi Việt Nam tạo ra các không gian kinh tế để các nước này đặt bước chân đầu tiên của họ vào nền kinh tế sản xuất cơ bản.

Theo Trí Thức Trẻ