Mới đây, PricewaterhouseCoopers (PwC) đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 800 CEO và những doanh nghiệp hàng đầu đến từ 52 quốc gia, hoạt động tại 21 quốc gia thành viên của APEC về triển vọng, xu hướng đầu tư.
Báo cáo của PwC cho biết dù triển vọng tăng trưởng trong khu vực không chắc chắn nhưng các CEO ở khu vực APEC vẫn tiếp tục đầu tư vào các nền kinh tế trong khu vực để gieo mầm tăng trưởng trong tương lai.
Trong đó, 76% CEO phụ trách thị trường Việt Nam dự định sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam trong năm tới, cao hơn so với mức 53% của các CEO trên toàn khu vực APEC.
Bởi lẽ cho dù các chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP khiêm tốn hơn trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn.
Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào lực lượng dân số đông, lên đến hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân tăng trưởng nhanh chóng và chính sách cởi mở với sở hữu nước ngoài đang làm Việt Nam ngày càng thêm hấp dẫn.
“Trong bối cảnh đó, các CEO tin tưởng nhất vào khả năng tăng biên lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh trong nước”, báo cáo của PwC chỉ ra.
Nguồn: Khảo sát CEO các nền kinh tế APEC của PwC năm 2016 – 2017
Cũng theo PwC, hiện tại, trung bình mỗi lãnh đạo doanh nghiệp APEC đang đầu tư vào 7 nền kinh tế APEC khác. Đầu tư là lĩnh vực cạnh tranh lớn nhất trong bối cảnh tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu trong năm 2015.
Song song với việc đẩy mạnh đầu tư xuyên biên giới nhằm kích thích tăng trưởng thì các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều quy định mới. Các CEO cho biết họ sẽ tìm cách cân bằng giữa yếu tố pháp lý, chính sách và yếu tố thị tường khi quyết định kinh doanh ở nước ngoài.
Khác với các CEO Việt Nam, yếu tố đầu tiên khiến 1 CEO nước ngoài lựa chọn đầu tư vào một quốc gia là môi trường pháp lý, chính sách của quốc gia đó. Tiếp đến là quy mô thị trường, nguồn nhân lực, cuối cùng là môi trường thuế thuận lợi.
Nguồn: Khảo sát CEO các nền kinh tế APEC của PwC năm 2016 – 2017
Nghĩa là, để cho các khoản đầu tư kinh doanh chảy nhiều hơn vào Việt Nam, Việt Nam cần có những điều kiện pháp lý phù hợp cho việc mở rộng kinh doanh.
Thực tế cho thấy, trong 1 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Trao đổi với ông Ruy Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tại buổi họp báo bên lề Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) thường niên 2016 mới đây, ông cho biết cảm nhận cá nhân của ông là Việt Nam đang có những quyết tâm rất mạnh mẽ và động thái cụ thể thông qua các chế tài để phát triển kinh tế.
“Tôi ấn tượng với động thái của ngài Thủ tướng khi ông đi đến các tỉnh và tổ chức các diễn đàn thúc đẩy đầu tư. Điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng đến phát triển kinh tế và đầu tư ở các địa phương”, ông Ruy Hang Ha nói.
Mặt khác, ông cho biết các doanh nghiệp FDI hiện nay ấn tượng với Thủ tướng về việc áp dụng những chế tài trong chống tham nhũng. Bởi thông qua đó, các nhà đầu tư mới có thể yên tâm đầu tư.
Theo Trí Thức Trẻ