Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo các giải pháp, trình các cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành, thúc đẩy kết quả tái cơ cấu hệ thống.
Một trong những nội dung nhà điều hành muốn có thêm điều kiện pháp lý để hạn chế là tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chi phối của cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát, nhưng trên thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định hạn chế sử dụng vốn do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sở hữu chéo nêu trên, không phản ánh thực chất cơ cấu, năng lực cổ đông tại các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu phải xử lý tình trạng sở hữu chéo tại tổ chức tín dụng, minh bạch hóa nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng, đảm bảo các cổ đông lớn tại đây phải thực sự có năng lực tài chính.
“Việc không cấm tổ chức, cá nhân sử dụng vốn vay từ tổ chức tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dẫn tới việc khó xử lý tình trạng sở hữu chéo, không phản ánh đúng năng lực cổ đông – đặc biệt là các cổ đông lớn, có thể dẫn tới mất an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề.
Giải pháp mà cơ quan này đưa ra là bổ sung quy định trong Luật các tổ chức tín dụng về nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, theo hướng nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào.
Với giải pháp trên, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ hạn chế được sở hữu chéo, minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, đảm bảo các cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính, tránh trường hợp nguồn vốn góp là vốn “ảo” do chủ yếu từ nguồn vốn vay tại tổ chức tín dụng, giúp cho hệ thống hoạt động lành mạnh, an toàn, thực chất.
Ngoài ra, việc hạn chế được sở hữu chéo, hạn chế vốn “ảo” của cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông thao túng ngân hàng sẽ giúp lành mạnh hoạt động hệ thống, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng.
Hiện giải pháp trên vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp để đưa vào đề xuất một cách chính thức.
Theo Vneconomy