Không chỉ cần kĩ năng lãnh đạo, làm sếp còn phải biết cười kể cả khi… chẳng có gì buồn cười

Làm lãnh đạo khổ lắm, phải biết cách hét ra lửa, phải biết truyền nhiệt huyết cho cả tập thể, hơn hết là phải biết cười, biết tươi mặc dù sự việc chẳng có gì hài hước.


Ảnh minh họa

Nhắc tới lãnh đạo, chắc hẳn ai cũng nghĩ tới những con người đứng đầu có khả năng “hét ra lửa” cùng khả năng truyền nhiệt huyết cho những nhân sự phía dưới để họ làm đúng theo định hướng, đúng mục tiêu cũng như hoàn thành được kết quả. Thế nhưng, dường như đó không phải là tất cả, một người lãnh đạo còn phải biết cười, thậm chí cười trong vô thức ở những thứ chẳng có gì đáng buồn cười.

Tôi có một anh bạn, anh này thường thường hiền như cục đất, đi đâu gặp mọi người cũng im thin thít ngồi nghe mà không hé răng nửa lời. Anh chàng đúng kiểu tuýp sống nội tâm nên rất khó để gặp anh ta giao tiếp với người lạ, tới những người thân quen như bản thân tôi anh cũng chỉ chia sẻ với mức độ rất giới hạn.

Nhiều người vẫn hay trêu anh là hơn 3 chục tuổi đầu rồi mà vẫn chưa có cô nào đoái hoài tới, tôi thì nghĩ cũng đơn giản thôi, làm gì có cô nào mê nổi một anh cứ im phăng phắc cả ngày mà không chịu chia sẻ gì. Những lúc người khác trêu anh như thế, anh vẫn cứ lặng thinh, chẳng cất tiếng bảo vệ danh dự của mình.

Một điểm đặc biệt nữa của anh chàng này là ít cười, nói đã ít, cười càng ít hơn. Mặt lúc nào cũng phẳng lì như tờ giấy, anh em trêu trò đùa cả lũ lăn lóc nhưng riêng ông này mặt không gợn sóng. Cộng thêm cái tính ít nói, thôi rồi, ông này ế cũng phải.

Thế rồi, bẵng đi một thời gian, mọi chuyện đột nhiên thay đổi.

Tôi gặp lại anh trong một buổi chiều bình thường, vẫn con người hiền lành có phần “đụt” ấy thế nhưng điểm khác biệt lớn nhất là anh cười rất nhiều, một nụ cười khuôn mẫu được anh sử dụng trong mọi tình huống và anh cười mặc dù những thứ gì tôi cùng mọi người nói chẳng có gì đáng buồn cười.

Anh cũng bắt đầu nói nhiều hơn, mặc dù không được nhiều như những con người khác, thế nhưng được vài câu như bây giờ cũng là khá lắm rồi. Ai cũng bất ngờ về sự thay đổi ấy.

Và rồi anh chia sẻ, mình được lên sếp, đó là những thứ anh học được trong quãng thời gian vừa rồi.

Làm sếp thì phải biết cười

Nếu như anh làm sếp to hẳn kiểu chủ tịch, người sáng lập hay tổng giám đốc thì không nói làm gì, đăng này mới lên tới chức vụ sếp nhàng nhàng thôi. Chân không còn chạm đất nữa nhưng mà đầu cũng còn khướt mới cụng được trời.

Anh nói rằng từ khi mình làm lãnh đạo, anh nhận thấy cười chính là thứ quan trọng nhất đối với bản thân mình. Ít nói cũng được, chẳng sao vì giờ mọi chuyện đã có thể làm việc qua email, trong mail có thể tha hồ nói những thứ ngoài đời không dám nói. Thế nhưng, nếu không dám cười, mọi thứ thậm tệ lắm.

“Thậm tệ ư? Buồn cười thì cười thôi có gì phải cố?”, tôi thốt lên khi nghe anh chia sẻ.

Nếu trong văn phòng lúc nào cũng nghiêm trọng, mọi người đùa mà sếp không cười, liệu có ai thoải mái không? Làm lãnh đạo chẳng khác gì làm người nổi tiếng, tất nhiên quy mô và lượng người hâm mộ ít hơn hẳn, thế nhưng đã là lãnh đạo phải chấp nhận bị nhân viên “soi”. Mà muốn có thiện cảm, muốn nhân viên nể phục thì phải biết cười, biết hoà cùng không khí chung.

Quãng thời gian đầu, anh ít khi cười, lúc nào cũng cắm mặt vào máy tính cùng đống tài liệu, thỉnh thoảng viết mấy cái email. Nhân viên lúc này sợ lắm, sếp gì mặt không một cử chỉ, lúc nào cũng lạnh lùng. Trông thì có vẻ ngầu, những mà anh nói rằng nhân viên họ sợ chứ họ không nể, không nể sếp nên họ không hết mình và rồi hiệu quả chẳng được như chờ đợi.

Ban đầu anh cũng nghi ngờ về khả năng quản lý hay kế hoạch của mình chưa tốt, nhưng rồi sếp to hơn “phím” cho anh rằng anh lạnh quá, chẳng ai muốn làm việc với anh ta cả. Nhiều khi sếp to hơn nói chuyện phiếm, đùa vui với anh, anh cũng chẳng cười và rồi sếp to hơn cũng chẳng thích.

Không buồn cười cũng cố mà cười

Nghe có vẻ đi ngược lại luân thường đạo lý, nhưng đó là những gì anh đã làm, bỏ ra mỗi ngày cả tiếng đồng hồ đứng trước gương, gượng gạo cười để tập. Anh kể lại có những hôm cười tới mức tê hết cả hàm nhưng vẫn phải cố, làm sao có được nụ cười trông tự nhiên để tạo thiện cảm với nhân viên.

Làm sếp khổ thể đấy, cứ như đi làm dâu thiên hạ, nhân viên cũng phải làm cho vừa lòng mà sếp to hơn thì càng phải thế.

Tất nhiên, sau khi tập thành công, anh bắt đầu áp dụng nó vào thực tế. Anh cười nhiều hơn trong những câu chuyện đùa của mọi người trên văn phòng, không khí dần thay đổi, hiệu quả công việc cũng từ đó tăng cao.

Trong văn phòng của anh có một chị rất “nhạt”, những câu chuyện cười của chị này kể ra có lẽ cầm bát nước ốc húp còn thấy đậm hơn. Người ta thường bỏ qua chẳng ai nghe chị, nhưng anh thì không, lắng nghe và rồi cười mặc dù nó chẳng buồn cười, thế là anh đã có một nhân viên tốt nữa mà ít ai hay.

Hoá ra cái chị nhạt nhẽo này lại là một người có chuyên môn rất vững, làm việc rất chăm. Cũng dễ hiểu thôi vì nói chuyện cười có ai cười đâu nên lại cắm đầu vào làm việc, chỉ có anh bạn tôi đã người đã thuyết phục được chị này và anh cũng nhận ra được năng lực thật sự của chị.

Từ “đụt” lại thành tươi

Trong những kiểu ảnh tập thể mà anh khoe, giờ trông anh tươi lắm, không còn kiểu trịnh trọng nghiêm túc như thời gian trước. Trong công việc giờ đây mọi người cũng nể anh hơn, các sếp cũng quý anh hơn đơn giản vì sự thiện cảm mà anh dành cho họ. Về mặt bạn gái hay vợ tương lai thì chắc hơi khó, nói gì cũng cười, làm gì cũng cười khéo có khi các cô lại nghĩ anh chàng này “ẩm IC” hay thần kinh có vấn đề. Dù sao cũng mừng cho anh!

Hoá ra thế đấy, không chỉ cần kĩ năng quản lý, đam mê cùng tình yêu cho công việc, làm sếp còn phải biết cười, biết hoà đồng và biết xử trí thế nào cho đúng trong từng trường hợp.

Theo Trí Thức Trẻ