SME và chiến lược trong thời kỳ hội nhập

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam phải đối diện với nhiều áp lực cạnh tranh. Do vậy cần phải có chiến lược bài bản để có thể tồn tại trong nền kinh tế hội nhập ngày nay. 


Ảnh minh họa

Chiến lược đổi mới. Các SME phải mạnh dạn thay đổi, đưa ra những ý tưởng và những hoạt động mới.

Nhưng vấn đề đặt ra là những công ty với rất ít hoặc không có kinh phí để thực hiện nghiên cứu có thể có được nguồn kiến thức từ đâu. Vấn đề này đặc biệt liên quan đến những công ty hoạt động ở các lĩnh vực như công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.

Câu trả lời là nguồn kiến thức này “rò rỉ” từ những công ty thứ ba, hoặc các viện nghiên cứu, các trường đại học thực hiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Các SME có thể tích hợp những công nghệ và ý tưởng mới này vào hoạt động của công ty mình, sau đó sử dụng một phần doanh thu để tái đầu tư vào R&D.

Ứng dụng công nghệ thông tin. Các SME cần đưa công nghệ thông tin, cụ thể là internet và điện toán đám mây vào các hoạt động của doanh nghiệp để giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do quy mô và nguồn lực hạn chế.

Trong thực tế, internet đang giúp các SME đạt được khả năng marketing toàn cầu với chi phí rất thấp, trong khi các phần mềm quản lý tài chính và kế toán giúp nâng cao khả năng quản lý, giảm được các chi phí khá cao liên quan đến quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tạo ra các “kho hàng” ảo để liên kết trực tiếp nhà sản xuất và khách hàng cuối cùng.

Thị trường ngách. Một số SME theo đuổi các ngách thị trường chuyên biệt trong nước hoặc nước ngoài.

Chiến lược này đã được các SME Đức (các công ty Mittestand) sử dụng rất thành công, họ kết hợp giữa việc chuyên biệt sản phẩm với đa dạng hóa thị trường địa lý. Những công ty này đặt trọng tâm vào một ngách thị trường cụ thể, thường là các ngách đòi hỏi sự chuyên biệt về công nghệ, và dồn toàn bộ “lực lượng” để trở thành người dẫn đầu trong ngách này.

Tuy nhiên, do quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp này gặp bất lợi khi xét đến khía cạnh lợi thế nhờ quy mô. Vì vậy, phần tiếp theo của chiến lược này là sự hiện diện trên thị trường toàn cầu. Điều này có tác dụng đưa các sản phẩm chuyên biệt đến khắp nơi trên thế giới.

Tham gia các mạng lưới và các cụm (cluster) chuyên biệt. Các SME có thể tạo được lợi thế cạnh tranh toàn cầu bằng việc tham gia vào những mạng lưới kinh doanh và hợp tác với các SME hoặc các doanh nghiệp lớn khác.

Chẳng hạn, văn hóa “phụ thuộc” và “trao đổi” giữa những doanh nghiệp và cá nhân trong thung lũng Silicon đã giúp các doanh nghiệp này có được khả năng sáng tạo siêu việt so với những công ty ở cách xa nhau. Sự khuếch tán này có được thông qua:

– Sự bắt chước các công ty đổi mới bằng cách quan sát các ứng dụng công nghệ và tiếp cận các trang thiết bị trong các cluster.

– Sự truyền miệng nhanh chóng và tích cực trong cộng đồng xã hội và các doanh nhân.

– Hiệu ứng lan tỏa được thực hiện dễ dàng hơn nhờ sự dịch chuyển của công nhân và các kỹ thuật viên, các hoạt động tư vấn công nghệ, tư vấn thương mại của các nhà cung ứng trang thiết bị, và sự tương tác với các nhà sản xuất trang thiết bị… Tất cả tạo nên danh tiếng về công nghệ, sự tin tưởng và sự sẵn sàng trải nghiệm công nghệ mới của các doanh nghiệp.

Liên minh chiến lược và các liên doanh. Một cách khác để các SME có thể nâng cao lợi thế là thông qua các liên minh, liên doanh quốc tế. Lợi ích của chiến lược này bao gồm việc tiếp cận các nguồn tài chính, các nghiên cứu chung, phát triển sản phẩm và những kênh phân phối rộng hơn.

Vai trò của các liên minh ngày càng quan trọng khi sự cạnh tranh quốc tế dẫn dắt sự chuyên biệt và xu hướng cho các công ty lớn hơn tăng cường thuê ngoài cho các hoạt động của mình. Liên doanh giúp các SME với nguồn lực và kiến thức thị trường hạn chế có thể tham gia thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp có thể liên minh dưới hình thức thực hiện R&D chung, sản xuất, marketing, cung cấp đầu vào hoặc hợp tác và phân phối. Chìa khóa cho sự thành công nằm ở sự chọn lựa đối tác liên minh và mức độ hợp tác.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI). SME có thể sử dụng chiến lược OFDI để tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. OFDI (thiết lập cơ sở hoặc chi nhánh ở nước khác) cho phép doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn thị trường nước ngoài, làm tăng doanh số, kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Những điều này SME có thể không có được tại thị trường trong nước.

Có nhiều cách để SME thực hiện OFDI. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể xây dựng một cơ sở hoặc chi nhánh từ đầu, hoặc đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập (M&A). Thông qua M&A với một doanh nghiệp đang tồn tại, doanh nghiệp có thể trực tiếp tiếp cận thị trường nước ngoài với sự hiện diện đã được thiết lập sẵn và đội ngũ quản lý có kinh nghiệm.

Trong thực tế, SME không chỉ sử dụng một chiến lược mà đôi khi phải có sự tổng hòa tất cả các chiến lược này, tạo lợi thế cạnh tranh tổng thể để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế.

Theo DNSG