Ở Việt Nam, xu hướng kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang gia tăng. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị quan chức khác cũng đã rất nhiều lần đề cập đến công nghệ cao như là đòn bẩy cho cả ngành nông nghiệp Việt Nam già cỗi.
Trong lúc này, có lẽ chúng ta cần học hỏi cách làm và thu hút nhân lực trong ngành này từ các quốc gia hàng xóm, mà Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.
Ở đây, xu hướng giới trẻ từ bỏ các văn phòng xa hoa, bỏ các thành phố để về làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được gia tăng.
Điều đáng nói, lý do những bạn trẻ này trở về với những mảnh đất quê hương không chỉ vì tiềm năng của nông nghiệp, mà còn vì ngành này đang giúp họ kiếm bộn tiền, hơn nhiều so với những người thuộc giới cổ cồn trắng ở các thành phố.
Mới đây, trên đài truyền hình arirang, một phóng sự về câu chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao của một thanh niên Hàn Quốc đã thu hút được nhiều sự chú ý.
Anh này tên là Jeong Su-chul, 32 tuổi, có 9 năm kinh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp và hiện là giám đốc một công ty nông nghiệp mang tên Bugong Paprika. Anh có học đại học như bao thanh niên xứ Hàn Quốc khác, chỉ khác là khi tốt nghiệp, anh đã lao ngay vào con đường khởi nghiệp.
Tài sản anh có hiện tại là một nông trường rộng lớn tới hơn 20.000 m2 tại một miền quê tại Hàn Quốc. Đây là một khu nông trường tiên tiến thực sự, vì nó đã được lặp đặt công nghệ rất cao, qua đó, chỉ thông qua một vài thao tác với điện thoại thông minh, anh có thể dễ dàng điều chỉnh lượng nước tưới tiêu, nhiệt độ, ánh sáng.
“So với đi làm công sở thì làm nông nghiệp cũng là một công việc kinh doanh thú vị. Tôi đã đặt mục tiêu của mình vào việc làm nông nghiệp và tôi quyết tâm thực hiện nó” – Jeong Su-chul nói.
Quyết tâm thực hiện rút cục sẽ mang lại được kết quả. Giờ đây, đối tác mua hàng nông nghiệp của Bugong Paprika bây giờ không chỉ giới hạn trong nước mà còn bao gồm các bạn đến từ hàng nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc.
Ở xứ sở Kim chi lúc này, Jeong đang không hề đơn độc trên con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp này. Giờ đây, có ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc đang quyết tâm biến quê hương mình thành những mảnh đất kiếm ra tiền
Theo một nghiên cứu mới đây, một trong những nghề nghiệp hứa hẹn nhất thiên niên kỷ này là nông nghiệp và khoa học thực phẩm.Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng việc con người quay lại làm nông nghiệp, nhưng là làm nông nghiệp thông minh sẽ là một hướng đi đúng đắn
“Giới trẻ giờ rất khác với thời cha mẹ chúng ta, chúng không bỏ về quê làm nông chỉ vì chán ghét thành phố. Chúng về quê vì nhìn thấy có thể kiếm được bộn tiền. Giới trẻ giờ cũng thích làm chủ bản thân cuộc sống của mình, vậy nên họ quyết định khởi nghiệp”- Các chuyên gia nhận định.
Nói là kiếm bộn tiền không hề sai, bởi lẽ vào lúc này, thu nhập bình quân của một người trẻ làm nông nghiệp tài Hàn Quốc đã cao hơn trung bình dân văn phòng tới 1,5 lần.
Trong tương lai gần, trào lưu nông nghệ công nghệ cao sẽ càng được khuyến khích, vì thế con số 1,5 lần nói trên còn có thể sẽ tăng lên.
Nói đi cũng phải nói lại, ngoài những yếu tố đến từ cá nhân người khởi nghiệp thì chính việc một hệ sinh thái nông nghiệp đã được xây dựng vững chãi từ trước cũng là nguyên nhân làm giới trẻ Hàn Quốc quan tâm đến khởi nghiệp nông nghiệp.
Ở đất nước này, các mô hình đều được tạo ra để tuân theo một quy trình phát triển nông nghiệp theo mục tiêu bền vững. Mô hình này thường gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1: chế biến sạch, giai đoạn 2: sản phẩm, giai đoạn 3: phát triển du lịch nhà hàng, dịch vụ. 3 bước này tạo thành một vòng tròn lợi ích khép kín.
Tức là, lấy ví dụ, bạn có thể trồng cây thông, sau đó lấy gỗ làm nội thất, lấy chiết xuât từ cây để làm mỹ phẩm. Bước tiếp theo, bạn tổ chức các lớp dạy làm mỹ phẩm đơn giản cho khách du lịch và cuối cùng là kinh doanh nhà hàng phục vụ họ.
Vậy là từ những cây gốc nông nghiệp nhưng rút cục người Hàn Quốc đã tạo ra mô hình để giúp phát triển kéo theo cả các ngành thủ công nghiệp và dịch vụ. Đó quả là một vòng tròn lợi ích mà bất cứ quốc gia nào đang muốn làm nông nghiệp bài bản như Việt Nam cần học tập.
Theo Trí Thức Trẻ