30 năm ở Tây, giám đốc này cho biết đúng giờ như người Đức chưa hẳn đã tốt, tính ‘cao su’ của người Việt thậm chí có lợi trong kinh doanh

Thay vì làm việc như cái máy bấm nút đến giờ làm, giờ về như ở phương Tây thì người Việt lại có cách làm việc uyển chuyển hơn.


Ảnh minh họa

Làm việc theo kiểu Việt Nam không phải cái máy cứ bấm nút đến giờ làm, giờ về

Sống gần 30 năm tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông Hà Văn Toàn – TGĐ Homag Việt Nam lại quyết định về Việt Nam làm việc. Ngoài yếu tố bạn bè và gia đình thì mong muốn cống hiến cho đất nước cũng thôi thúc ông trở về nước.

Mặc dù được dạy rất nhiều về văn hóa quê cha đất tổ, song doanh nhân này cũng không tránh khỏi tình trạng bị sốc văn hóa khi trở về Việt Nam.

Chia sẻ với DNSG, ông Toàn cho biết, người Đức làm gì là đâu ra đó. Tính kỷ luật trong công việc của họ rất cao, năng suất lao động luôn được đảm bảo. “Một ví dụ nhỏ là chuyện đúng giờ. Rất ít khi họ đến trễ trong một cuộc hẹn. Sự chính xác trong công việc như một phẩm chất nổi trội của người Đức”, ông cho hay.

Cũng nhờ tính kỷ luật cao, đất nước Đức có rất nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, đặc biệt về chế tạo máy móc và dụng cụ cơ khí.

Thế nhưng, trái ngược với Đức, văn hóa Việt Nam hoàn toàn khác. Vị doanh nhân này cho biết, xa quê sau 30 năm, khi trở lại, thú thực ông khó chịu với thói quen không đúng giờ của nhiều người Việt.

Song một điều khá bất ngờ đối với doanh nhân này, là sau khi “nhập gia tùy tục”, chính tính cao su, không quá khắt khe kỷ luật của người Việt lại mang đến cho ông những hợp đồng làm ăn tốt.

Khác với môi trường hà khắc như Đức, hay Nhật, môi trường ở Việt Nam lại rất thoải mái, không phải lúc nào cũng nguyên tắc quá mức đến khô khan, không phải cái máy cứ bấm nút đến giờ làm, giờ về.

Thay vào đó, công việc bận rộn, khách hàng nhiều hơn nên thời gian của ông Toàn tùy thuộc vào các cuộc hẹn. Có khi 9-10 giờ sáng vẫn thoải mái uống cà phê với khách, cũng có lúc không nghỉ cả ngày Chủ nhật – điều mà chưa từng xảy ra ở Đức.

Thời gian làm việc ở Việt Nam thật uyển chuyển

Theo ông, ở Việt Nam có những điều mà ông và khách hàng hiểu nhau hơn nhờ những lúc ngoài công việc, có thể là một lúc tán gẫu lại mang đến kết quả công việc rất tốt. Thời gian uyển chuyển chính là một lợi thế trong công việc ở đây.

Sự linh hoạt cũng là một phẩm chất và triết lý trong kinh doanh. Ngoài sản phẩm, Việt kiều này đặt mạnh dịch vụ đi kèm, vì vậy phải phục vụ khách hàng bằng chính sự linh hoạt đó.

Tuy nhiên, đúc kết từ 2 môi trường làm việc khác nhau, TGĐ Homag Việt Nam cho rằng, sòng phẳng kiểu tây quá mức cũng không hay nhưng xuề xòa ưu ái riêng cũng không được. Mọi thứ bình đẳng, ở cùng một mức xuất phát bao giờ cũng tốt hơn.

“Tôi thích thành ngữ Nhập gia tùy tục của người Việt. Sống ở đâu thì phải theo đó. Một cá nhân không thể bắt tập thể phải theo mình. Nếu hiểu được đúng ý nghĩa của câu nói đó, thả vào đâu mình cũng hòa nhập được. Môi trường kinh doanh cũng vậy, làm ăn ở đâu thì phải theo thói quen và luật lệ chung ở đó. Ở Việt Nam thích nhất là sự thoải mái và đồ ăn ngon”, ông Toàn cho hay.

Theo Trí Thức Trẻ