Vì sao các ông lớn Lazada, Tiki, adayroi… không ngại ‘đốt tiền’ trên thị trường thương mại điện tử?

Đốt tiền cho một thị trường như thế này thì có đáng không: Tăng gấp rưỡi hàng năm, 5 năm nữa đã đạt 10 tỷ USD. Đó có lẽ không phải điều ngẫu nhiên


Ảnh minh họa

Mới đây, tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017, một loạt các chuyên gia đã đưa ra các dự đoán của riêng mình về xu thế thương mại điện tử ở Việt Nam trong tương lai sắp tới.

Theo đó, các chuyên gia đều đồng ý rằng với tỷ lệ sử dụng Internet, sử dụng smartphone ngày càng cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn, Việt Nam sẽ là một trong số những điểm nóng tăng trưởng của thương mại điện tử trên thế giới.

Hiện tại, theo bà Đặng Thủy Hà – Trưởng đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội, thì thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô là 4 tỷ USD (tương đương gần 100.000 tỷ đồng).

“Việc số lượng người dùng smartphone tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam cũng tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của thương mại điện tử. Bởi lẽ, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam là trên 70%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng lên đến trên 50%”, bà Hà nhấn mạnh.

Vị này trình bày tiếp các phân tích của Nielsen rằng trung bình mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam đang chi 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam sẽ lên tới 22% hàng năm.

Còn theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cũng là chủ một doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành (Bizweb), tốc độ tăng trưởng của thương mại tại Việt Nam có thể đạt mức cao hơn nhiều con số mà các đơn vị nghiên cứu đưa ra.

Theo vị này, con số tăng trưởng có thể lên đến 30-50%/năm. Tính ra, trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Với những nhận định trên, các chuyên gia nói chung là lạc quan về tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử.

Theo bà Lê Tú, đại diện đến từ Google, châu Á đang dẫn đầu thế giới về cách mạng thương mại điện tử. Xu hướng thương mại điện tử hiện đang bùng nổ tại Trung Quốc với doanh thu 470 tỷ USD (năm 2014), vượt Mỹ. Tại Ấn Độ tốc độ tăng trưởng lên đến 100%/năm.

Từ đó, bà giải thích tại sao việc tăng trưởng của nền thương mại điện tử châu lục sẽ tác động tích cực lên Việt Nam:“Việt Nam nằm tại khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh tại châu Á và chắc chắn nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook…”

Hiện, theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tính đến năm 2016, đã có tới 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và hoạt động website.

Theo Trí Thức Trẻ