FED nâng lãi suất: Dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng bốn tháng qua. Và trong năm 2017 này – các nhà nghiên cứu kinh tế của HSBC tại Hoa Kỹ dự báo sẽ còn hai đợt tiếp sau. Sức nóng của lãi suất đồng đô lan tỏa, dòng vốn sẽ tác động đến toàn cầu ra sao và Việt Nam có bị ảnh hưởng?


Ảnh minh họa

Rút vốn tại thị trường mới nổi

Cục dự trữ liên bang Mỹ đã chính thức nâng lãi suất liên bang thêm 25 điểm cơ bản lên mức 0,75%-1% vào ngày 15/3 như dự đoán của giới đầu tư trước đó. Theo báo cáo của SSI Retail Research, lưu chuyển dòng vốn toàn cầu nhanh chóng đổ mạnh vào cổ phiếu Mỹ, trong khi lần đầu rút ròng trái phiếu quốc gia này. Thị trường mới nổi mà đặc biệt là một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc,.. tiếp tục bị rút ròng. Chỉ riêng GEM, quỹ đầu tư danh mục thị trường mới nổi toàn cầu, không bị rút vốn mà thậm chí đã lấy lại toàn bộ phần bị rút đến thời điểm hiện tại.

Chiều 22/3, Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đã công bố Bản nghiên cứu về việc FED tăng lãi suất với nhận định: Người ta có thể cho rằng việc FED tăng lãi suất ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán. Và có ý kiến cho rằng các ngân hàng trung ương châu Á không thực sự sẵn sàng cho việc tự thắt chặt nền kinh tế của mình, làm dịu bớt mức độ ảnh hưởng của lãi suất đồng đô đang cao hơn.

Mổ xẻ kỹ hơn, nhóm chuyên gia chỉ ra vấn đề ở đây là nợ. So với chu kỳ thắt chặt của FED vừa rồi, tình hình vay nợ của các nước trong khu vực châu Á khá cao. Chính vì vậy, ngay cả sự gia tăng biên độ nhỏ cũng góp phần tác động đến nhu cầu cuối cùng tăng nhanh hơn so với trước đây. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động tiêu dùng cũng như đầu tư..

Việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững – một khoản đủ lớn để bù đắp cho khu vực châu Á đang bị lực đẩy từ lãi suất đô la cao hơn – dường như bất khả thi. Theo nhóm nghiên cứu HSBC, so với những năm 2000 thì hiện nay nợ cao hơn nhiều, và xuất khẩu ít “sống động” hơn. Trong bối cảnh này, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang là một điểm tiêu cực đối với tình hình tăng trưởng ở các nước châu Á mới nổi.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu FED tiếp tục theo đuổi đường hướng của mình, những người đi vay ở châu Á chắc chắn sẽ cảm nhận được mức độ thắt chặt. Nhà kinh tế trưởng của HSBC tại Mỹ, Kevin Logan, không tin rằng lãi suất sẽ tăng lên nhanh chóng (ông cho rằng năm 2018 sẽ chỉ có một đợt tăng lãi suất nữa, ngoài việc bình thường hóa bảng cân đối). Nhưng nếu lãi suất cứ tăng mỗi 25 điểm phần trăm thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho khu vực này.

Việt Nam có quan ngại?

“Tuần qua FED đã tăng lãi suất đúng như dự đoán. Điều dễ thấy là việc FED tăng lãi suất đã tác động đến dòng vốn vào cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ trái ngược nhau. Sự tự tin vào tăng trưởng của FED và các chỉ báo kinh tế trong tuần đều tích cực đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và dòng tiền vào cổ phiếu Mỹ”, SSI nói.

Theo nhóm tư vấn SSI, lãi suất tăng khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn. Khu vực thị trường mới nổi (EM) châu Á đang là khu vực bị đánh giá thấp nhất do Trung Quốc chiếm tỷ trọng quá lớn. Vào giữa năm 2015, dòng vốn tại khu vực có biến động mạnh mà nguyên nhân chính là dòng tiền tại Trung Quốc. Ban đầu là dòng tiền đổ vào khi có tin đồn Trung Quốc được nâng hạng nhưng dòng tiền này nhanh chóng rút ra khi kết quả xếp hạng không như kỳ vọng. Gần đây EM châu Á lại bị thêm câu chuyện khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc. Tính từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc đã bị rút -1.3 tỷ USD, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, -2.1 tỷ USD.

Tuy nhiên, mang tính trấn an nhiều hơn, phân tích của BVSC ngày 23/3 lại cho rằng, áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của FED phần nhiều mang tính tâm lý. Sau quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15/03 vừa qua, dự kiến FED sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. BVSC cho rằng, nếu trần lãi suất tiền gửi USD trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định.

“Mặc dù vậy, những tác động trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này của FED là không lớn và có xu hướng nhẹ bớt so với lần trước. Sau một nhịp bật tăng, đồng USD đã có diễn biến điều chỉnh so với đa số các đồng tiền chủ chốt khác trong khoảng 2 tuần trở lại đây”, BVSC khẳng định.

Theo Tiền phong