Lợi nhuận ngân hàng cao chưa hẳn là mừng!

Nối đà “ăn nên làm ra” trong năm vừa qua, các ngân hàng cũng đã và đang đặt ra những mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2017. Song có ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp còn khó khăn, lợi nhuận ngân hàng cao chưa hẳn là tốt mà quan trọng là lợi nhuận thực sự, lợi nhuận bền vững.


Ảnh minh họa

Các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thuộc khối cổ phần đều tỏ ra khá lạc quan về triển vọng kinh doanh năm nay và đặt ra mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng. Với VPBank, năm ngoái lợi nhuận trước thuế tăng tới 59% đạt 4.929 tỷ đồng và năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng gần 38%. Năm nay, Techcombank đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.020 tỷ đồng, tăng 26%.

MB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 dự kiến 4.700 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. ACB lên kế hoạch lợi nhuận 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với kết quả của năm 2016. Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 600 tỷ đồng, tăng 53%. HDBank đặt mục tiêu đạt 1.643 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, tăng 28%…

Tại Đại hội đồng cổ đông của một ngân hàng tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng – Cục trưởng Cục thanh tra giám sát NHNN-TPHCM phát biểu rằng: “Nơi nào lợi nhuận cao hay thấp không quan trọng mà trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp còn khó khăn, lợi nhuận ngân hàng cao chưa hẳn là tốt mà quan trọng là lợi nhuận thực sự, lợi nhuận bền vững. Để có được điều này cần phải phân loại nợ xấu đúng với quy định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ rồi NHNN mới cho các ngân hàng chia cổ tức”.

Về vấn đề cổ tức cổ tức, theo ông Dũng tới đây sẽ còn nhiều ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ, có nhiều ngân hàng chia cổ tức cao 5-7% thậm chí lại có ngân hàng 4- 5 năm không chia cổ tức thì một số ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Về yếu tố bền vững, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương lai sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông. NHNN cũng khuyến khích các TCTD sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo các chuyên gia đánh giá năm 2017 là một năm khó khăn và nhiều thử thách với nền kinh tế Việt Nam. Nguy cơ lạm phát tăng trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được siết lại kể từ đầu năm nay cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vốn của các ngân hàng.

Hơn nữa, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Nếu nợ xấu không được xử lý quyết liệt thì trích lập dự phòng sẽ còn tăng cao, lợi nhuận khó mà triển vọng.

Trrước đó, trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Điểm phấn khởi trong năm 2016 là các ngân hàng đã ăn nên làm ra, bằng chứng là họ đã công bố những con số lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu chính xác những con số ngàn tỷ đó là số tuyệt đối, cần so sánh lợi nhuận với quy mô, vốn liếng của họ”.

Theo TS. Lực, ROE năm 2016 tính chung cả hệ thống ngân hàng ước khoảng 7%, chỉ cao hơn tiền gửi tiết kiệm 1%; con số 7% vẫn là thấp so với bình quân khu vực. Năm 2017 sẽ là năm quyết liệt để xử lý các TCTD và nợ xấu, đây sẽ là quá trình về lâu về dài và kết quả lợi nhuận sẽ được cải thiện tích cực trong thời gian tới.

“Khả năng tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng vẫn là dấu hỏi lớn sau chu kỳ tăng trưởng nhanh, mạnh trong năm 2015”, vị chuyên gia này nhận định.

Theo Trí Thức Trẻ