“Một ngày nọ, Steve Jobs đột nhiên xuất hiện tại nơi làm việc của tôi cùng với một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Ông ấy không giới thiệu người đàn ông kia mà ngay lập tức hỏi tôi rằng: “Anh nghĩ gì về một công ty có tên Knoware?”.
Tôi đã trả lời Steve rằng sản phẩm của công ty đó rất tầm thường, nhàm chán và đơn điệu, không có gì để so sánh với sản phẩm chiến lược như Macintosh. Công ty này không phải là mối bận tâm đối với Apple.
Sau khi nghe một loạt lời phê phán của tôi, lúc bấy giờ Steve mới giới thiệu người đàn ông đứng bên cạnh: “Tôi xin giới thiệu với anh đây là Archie McGill, Giám đốc điều hành của Knoware”.
Tôi đã vượt qua được bài kiểm tra của Steve Jobs như thế. Nếu như hôm đó tôi chỉ nói những lời tốt đẹp về một phần mềm không có gì nổi bật, Steve chắc hẳn sẽ cho rằng tôi là người không có chính kiến và có thể sự nghiệp của tôi cũng kết thúc tại đó.
Sau nhiều năm làm việc tại Apple, tôi nhận ra làm việc cho Steve Jobs không dễ dàng gì. Ông ấy luôn đòi hỏi ở bạn sự xuất sắc và vượt trội dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, hoặc là bạn sẽ bị sa thải. Tôi chưa từng được trải nghiệm điều này ở bất cứ công việc nào trước đây. Đó là một kinh nghiệm thú vị. Tôi thật sự phải cảm ơn Steve.
Kinh nghiệm này đã dạy tôi rằng, bạn nên luôn luôn nói sự thật mà không cần lo ngại hậu quả bởi 3 lý do sau đây:
1. Thứ nhất: Nói ra sự thật là một bài test kiểm tra tính cách và trí thông minh của bạn. Bạn cần có sức mạnh để nói ra sự thật và trí thông minh để biết sự thật đó là gì.
2. Thứ hai: Tất cả mọi người đều mong muốn được nghe sự thật. Nếu bạn nói sản phẩm này tốt theo hướng tích cực chỉ để an ủi họ, thì họ sẽ không biết phải cải thiện điều gì.
3. Thứ ba: Chỉ có một sự thật duy nhất, vì vậy lựa chọn trung thực sẽ dễ dàng hơn là dối trá. Nếu bạn không trung thực, bạn sẽ luôn phải kiểm soát và lo sợ với những gì mình nói.
Theo trí thức trẻ