Nguyên tắc quản trị của tỷ phú giàu thứ 69 thế giới: Sa thải nhân viên ngay lập tức nếu không biết “chửi” sếp

Tỷ phú tự thân Ray Dalio là nhà sáng lập kiêm đồng Giám đốc Đầu tư của quỹ đầu tư thanh khoản lớn nhất thế giới Bridgewater Associates.


Ảnh minh họa

“Dù cho Dalio được mệnh danh là “Steve Jobs của giới đầu tư”, song các nhân viên dưới quyền không hề nói chuyện với ông như thể ông ý là người đặc biệt”, Giáo sư Adam Grant của Đại học Wharton mô tả về Dalio trong cuốn sách mới “Originals”.

Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chỉ trích sếp của họ nếu cảm thấy quyết định của Dalio chưa thỏa đáng.

Có thể dẫn ra đây bức email mà một đồng nghiệp đã gửi cho Dalio sau một cuộc họp với khách hàng tiềm năng rất quan trọng:

“Ray, ông xứng đáng nhận điểm D cho màn thể hiện của mình hôm nay… Ông nói luyên thuyên trong suốt 50 phút…

Tất cả chúng tôi đều nhận thấy là ông không chuẩn bị gì cho cuộc họp này cả, vì không thể nào ông lại trình bày thiếu logic như vậy nếu có sự chuẩn bị trước… Ngày hôm nay thật sự tệ. Chúng ta không thể để tình trạng này lặp lại”.

“Tại một công ty khác, gửi một email với nội dung chỉ trích sếp gay gắt như thế này chẳng khác gì tự sát sự nghiệp”, Giáo sư Grant cho biết. Nhưng ở Bridgewater, các nhân viên được yêu cầu phải biết chỉ trích đồng nghiệp, thậm chí là lãnh đạo, khi cần.

Họ thậm chí sẽ được đánh giá dựa trên việc có dám nói ra quan điểm của mình hay không.

Trên thực tế, nhân viên của Dalio có thể bị sa thải nếu như không thể phản biện và chỉ trích sếp, ông Grant kết luận sau khi thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với nhà tỷ phú để phục vụ cho cuốn sách mới của mình.

Đây là một sự kỳ vọng được nêu ra ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Trong quá trình đào tạo nhân viên mới, khi họ được học về các quy tắc và quy định tại Bridgewater, họ sẽ liên tục bị hỏi: Anh chị có đồng ý không?

Dễ thấy là Dalio mong muốn nhân viên của mình có suy nghĩ độc lập và có khả năng thách thức những chuẩn mực truyền thống khi cần thiết.

“Đừng để sự trung thành chen vào giữa sự thật và sự cởi mở”, nhà tỷ phú tự thân nhấn mạnh trong nội quy của Bridgewater. “Không ai có quyền chỉ trích người khác nếu không dám nói thẳng ra điều đó”.

Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng có được sự cởi mở như Dalio. Trên thực tế, hầu hết các chuyên gia tư vấn phụ trách mục Sự nghiệp ở New York Times hay Forbes đều đưa ra những lời khuyên thận trọng khi có độc giả nào đó hỏi ý kiến về việc “có nên chỉ trích sếp hay không?”.

Trong “Cẩm nang sống sót khi chỉ trích sếp” trên New York Times, bà Heather Gatley, Phó Chủ tịch điều hành khối nhân sự tại Alpha Staff khuyến cáo nhân viên cần có ví dụ hết sức cụ thể để làm sở cứ cho mọi tuyên bố của mình khi trao đổi “mặt đối mặt” với sếp.

Tương tự, LinkedIn đưa ra 5 lời khuyên để độc giả “vẫn góp ý được cho sếp nhưng vẫn giữ được công việc”, tập trung vào lựa chọn thời điểm lên tiếng, trao đổi riêng tư, tập hợp đủ sở cứ, tỏ ra rộng lượng và không chấp nhặt tiểu tiết khi tranh luận. Quan trọng nhất, nhân viên cần biết khi nào thì nên dừng lại.

Ray Dalio (8.8.1949) là nhà đầu tư kỳ cựu người Mỹ. Năm 2012, ông xuất hiện trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Times. Trong liên tiếp hai năm 2011 – 2012, Bloomberg Markets đưa ông vào danh sách “50 người có sức ảnh hưởng nhất”. Còn theo Forbes, Dalio hiện là vị tỷ phú giàu thứ 30 tại Mỹ và giàu thứ 69 trên thế giới, với tổng tài sản ròng trị giá 15,9 tỷ USD tính đến tháng 2.2017.

Theo trí thức trẻ