Thị trường bán lẻ Việt Nam – Nước ngoài hớt tay trên

Chính sách đang tạo ra cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài được thuận lợi hơn so với DN trong nước, đối tượng vốn đã hạn chế về năng lực giờ lại càng khó khăn hơn.
Theo báo cáo tại hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bán lẻ phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức, sau 5 gia nhập WTO, ngành bán lẻ Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh, bước đầu tạo được vị thế trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Số lượng siêu thị thành lập mới 5 năm sau khi gia nhập WTO (2007- 2011) so với giai đoạn 2002- 2006 tăng hơn 20% (303/251 siêu thị). Số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72% (62/36).
Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi (theo mô hình hiện đại của các nước tiên tiến) phân bố rộng khắp cả nước. Ước tính chung, thị phần các loại hình bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20% tổng mức bán lẻ, gấp đôi thời điểm trước khi gia nhập.
Thông qua đầu tư trực tiếp, góp vốn liên doanh, nhượng quyền thương mại… các DN Việt Nam đã mở rộng mạng lưới bán hàng. Một số nhà bán lẻ đã tổ chức được mô hình bán hàng theo chuỗi với số lượng cửa hàng tăng lên hàng năm, như Saigon Coop, Hapro, Intimex…
Bên cạnh đó, nhờ chính sách mở cửa thị trường, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Metro, Casino (Pháp), Parkson (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc)… đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, tại hội thảo, đại diện Saigon Coop cho rằng: Trong lúc DN trong nước còn thiếu kinh nghiệm phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại thì không thể xuất khẩu được qua hệ thống bán lẻ, nhưng các DN nước ngoài lại được thu mua để xuất khẩu và bán lẻ nên lực mua bán rất mạnh.
Các tập đoàn nước ngoài có quy mô lớn với nhiều loại hình kinh doanh, cả bán lẻ, bán buôn thì DN Việt Nam chủ yếu phát triển ở quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn để mở rộng địa điểm kinh doanh… Giá bán của các nhà bán lẻ Việt Nam thường cao hơn giá bán của DN nước ngoài cũng do cộng hưởng từ những yếu tố kém thế cạnh tranh này.
Còn đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lại đưa ra ý kiến: Xu hướng mở cửa thị trường là tất yếu, khó thể đảo ngược. Vì thế, DN Việt Nam cần lựa sức mình, phát triển lợi thế cạnh tranh, tránh đối đầu với các nhà bán lẻ mạnh của nước ngoài bằng cách tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư.
Ngoài ra, nhiều ý kiến nêu quan điểm, các DN Việt Nam trong từng lĩnh vực cần tăng cường tính liên kết, kết hợp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để hỗ trợ nhau xây dựng và bảo vệ thương hiệu, trợ giúp Chính phủ trong việc điều hành vĩ mô về thị trường, giá cả…
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã khẳng định để thị trường phát triển bền vững, cần nghiên cứu những giải pháp để đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ những chính sách mà không vi phạm cam kết như: hỗ trợ đào tạo năng lực quản lý và kỹ năng bán hàng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại, thông tin thị trường.
Về mặt bằng cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng cũng gợi ý thông qua hình thức thuê, mượn, trả dần tiền thuê… tạo điều kiện thuận lợi cho DN phân phối trong nước tiếp cận các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi, quy mô phù hợp với từng loại hình phân phối.
Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích để các DN liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ tại Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến.

Theo Dân trí