Đôi khi, chúng ta chỉ nhìn thấy sự việc ở tầm vĩ mô mà quên đi các chi tiết hay đôi lúc lại quá chú tâm vào các tiểu tiết mà không nhìn thấy toàn cảnh của vấn đề. Nhà lãnh đạo thành công phải là người biết nhìn nhận ở nhiều cấp độ, phải biết “suy nghĩ bao quát nhưng vẫn chi tiết”.
Kay Krill, tổng giám đốc điều hành của hệ thống bán lẻ nổi tiếng của Mỹ Ann Taylor, là người thâu tóm tư tưởng “suy nghĩ bao quát nhưng vẫn chi tiết” trong lời phát biểu gần đây với phóng viên của tờ nhật báo phố Wall như sau: “Bạn phải biết bay ở độ cao 50.000 feet (khoảng 164 km) và cũng phải thường xuyên bay là là mặt cỏ.”
Nhìn sự vật ở nhiều cấp độ
Ở tầm vĩ mô, bạn có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp của mình, cục diện của toàn bộ ngành và thậm chí là nền kinh tế thế giới. Bạn có thể phát hiện ra các mô hình mới, tạo ra các cơ hội kinh doanh. Đây là một điều bắt buộc nếu bạn muốn đứng vứng trong kinh doanh.
Nhưng nếu chỉ nghĩ ở tầm cao, thì bạn sẽ lãng quên những chi tiết quan trọng. Nếu không chú ý đến các chi tiết, thì mục tiêu phấn đấu của bạn sẽ trở nên viển vông. Bạn sẽ không xác định được đâu là ưu tiên hàng đầu, không đánh giá được nhân viên một cách sâu sát và không nắm được các bước tiến hành cụ thể kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chi tiết bạn chú ý đến cũng phải hợp lý. Trong số những điều bạn quan sát được, bao gồm những con số, những nguồn thông tin… bạn phải biết đánh giá đâu thực sự là những thông tin quan trọng.
Phương pháp tư duy
Trong kinh doanh, bạn nghĩ như thế nào cũng quan trọng không kém việc bạn nghĩ gì. Khả năng tư duy ở nhiều cấp bậc, từ tổng quát đến chi tiết, là một lợi thế quan trọng trong quản lý. Hai phương pháp tư duy sau đã được chứng minh là rất hiệu quả:
• Tư duy đột phá
Chắc hẳn ai cũng từng gặp trường hợp sau: trong cuộc họp, mọi người đang bàn luận sôi nổi thì bỗng một người thốt lên: “Khoan đã, tại sao chúng ta không…nhỉ?”. Và thế là cuộc thảo luận rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Đó chính là người đã tiếp cận vấn đề theo một hướng khác và mở ra những khả năng mới.
“Đột phá” là thay đổi điểm nhìn, hướng suy nghĩ đối với một hiện tượng, một vấn đề. Đó là khi các nhà lãnh đạo định dạng lại thị trường và thay đổi quỹ đạo phát triển của doanh nghiệp. Ví dụ như nhãn hiệu Coke đã chuyển hướng từ thị trường nước ngọt sang các thị trường nước giải khát khác.
“Đột phá” vô cùng quan trọng trong việc hiểu được quan điểm và các giá trị của các tổ chức có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Nó cũng giúp chúng ta nhìn thấy các khía cạnh trong một con người để có thể nhận biết được người tài và sử dụng năng lực của họ một cách sáng tạo và hiệu quả.
Khi Robert Pittman trở thành tổng giám đốc điều hành của công viên giải trí Six Flags, ông chủ trương chú trọng vào các chi tiết. Do đó, ông đã biến mình thành người quét đường. Ở cương vị đó, ông nhận thấy một điều làm ông không hài lòng. Đó là những nhân viên vệ sinh rất ác cảm với khách vui chơi giải trí và coi họ như những người làm cản trở công việc giữ vệ sinh công viên.
Sau đó, Pittman đã thay đổi mục tiêu và nhiệm vụ của những những người dọn vệ sinh từ việc giữ gìn cảnh quan và an toàn cho du khách thành tạo tâm lý thoải mái cho khách khi vào công viên. Điều đó đã khiến cho nhận viên có thái độ tốt hơn đối với du khách và nhờ đó cải thiện dịch vụ khách hàng.
• Kết nối các chi tiết rời rạc
Tư duy phân tích rất quan trọng và hữu dụng nhưng đôi khi bạn cũng nên bỏ qua các logic thông thường, sử dụng trí tưởng tượng để kết nối các thông tin có vẻ rời rạc lại với nhau. Quá trình này có thể hoàn toàn vô thức. Thực tế là nhiều khi bạn băn khoăn về một vấn đề từ rất lâu rồi nhưng đột nhiên một buổi sáng tỉnh giấc, bạn thấy mình tìm ra hướng giải quyết. Như vậy phần vô thức của bộ não đã thực hiện việc kết nối các chi tiết, giống như trực giác vậy.
Hãy tưởng tượng tầm quan trọng của việc kết nối các chi tiết trong một cuộc họp của doanh nghiệp. Khi các thành viên thảo luận thì người lãnh đạo phải cố gắng liên hệ những ý tưởng bột phát của họ với nhau. Nếu làm được điều này, thì quyết định đưa ra sẽ rất toàn diện và đúng đắn bởi đó là sự tổng hợp của các ý kiến được đưa ra chứ không phải chọn một trong số chúng.
Hãy xem xét quá trình tư duy tại Apple khi tạo ra sản phẩm iPhone mới nhất của mình. Giống như iPod, iPhone không dựa trên các tiến bộ khoa học vượt bậc. Điều quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm này là sự tích hợp rất nhiều các tính năng làm hài lòng người tiêu dùng cả về mặt thẩm mỹ và công dụng.
Để tạo ra được một sản phẩm như vậy đòi hỏi phải xác định thị trường công nghệ đang phát triển như thế nào và sở thích của khách hàng đang biến đổi ra sao, đồng thời cân nhắc khả năng kết hợp của chúng. Không số liệu nghiên cứu nào có thể tạo ra sự kết nối đó ngoài trí tưởng tượng.
· Mở rộng vốn kiến thức
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng bộ não của chúng ta có khả năng co giãn nhiều hơn chúng ta tưởng. Sợi dây kết nối của các nơ-ron thần kinh có thể thay đổi, dẫn đến thay đổi trong lối tư duy. Do đó hãy luôn nhận thức được phương pháp tư duy của mình và nới rộng phạm vi hoạt động của bộ não để không ngừng có những ý tưởng mới
Hãy áp dụng bí quyết trên để có được những ý tưởng có thể thay đổi cả thế giới.
Theo Bwportal/Bizpro Group (Dịch từ Finance)