Công ty TNHH công nghiệp chưng cất rượu Kinmen khiếu nại Công ty TNHH dinh dưỡng Best Shien. Vụ việc tóm tắt như sau:
Từ đầu năm 1953, Công ty Kinmen bắt đầu sản xuất rượu Premium Kaoliang, bao bì có nhãn hiệu “Con rồng vàng trên nền trắng”, chai thuỷ tinh trong suốt hình tròn và cổ chai dài – kiểu dáng chai phổ biến trong ngành sản xuất rượu. Kiểu dáng chai đó cùng với hình ảnh “con rồng vàng trên nền trắng” hiện diện trên thị trường trong một thời gian dài mấy chục năm đã khiến cho người tiêu dùng biết nhiều tới rượu Premium Kaoliang và đủ để trở thành đại diện cho nguồn gốc sản phẩm. Hơn nữa, rượu Premium Kaoliang có chất lượng tốt, có lịch sử sản xuất lâu năm và một hệ thống phân phối rộng khắp trong và ngoài nước. Năm 1998, Công ty Kimen đã bán được hơn 12 triệu chai với giá trị hơn 44 tỷ đôla Đài Loan. Cục tiêu chuẩn quốc gia (NBS) và Uỷ ban Chống hàng giả đều công nhận “con rồng vàng trên nền trắng” là một nhãn hiệu nổi tiếng.
Thế nhưng, năm 1999, Công ty Best Shien đã sản xuất và tung ra thị trường loại rượu Jing Goliang có bao bì với hình tượng “Hai con rồng đang chơi đùa với một quả cầu lửa” rất giống hình tượng “con rồng vàng trên nền trắng” của bao bì rượu Premium Kaoliang. Nhìn tổng thể, bao bì rượu Jing Goliang rất giống bao bì rượu Premium Kaoliang, dễ gây nhầm lẫn. Trước hết, bao bì của cả hai sản phẩm đều được dán nhãn màu trắng có hình hai con rồng – mỗi con rồng ở một phía, cả hai đều hướng mặt về nhau. Xét về hình dáng và vị trí, quả cầu lửa trong nhãn hiệu Jing Goliang tương tự với vòng tròn nằm giữa hai con rồng trên nhãn hiệu Premium Kaoliang. Hơn thế, Công ty Best Shione “chơi không đẹp” khi viết tên Trung Quốc “Goliang” với ký tự thứ ba được viết theo phông chữ tương tự với ký tự thứ hai trong tên Trung Quốc của từ “Kaoliang”. Nhìn thoáng qua, tên Trung Quốc “Goliang” tương tự vẽ màu sắc, phông chữ, vị trí với “Kaoliang”. Về cách phát âm tiếng Anh, “Goliang” cũng tương tự như “Kaoliang”. Cả hai sản phẩm đều sử dụng chai thuỷ tinh trong suốt, hình tròn, cổ dài…
Xét trên tổng thể, cả hai sản phẩm rất giống nhau về cách thiết kế bao bì, màu sắc của nhãn hiệu, cách phát âm tên sản phẩm. Nhìn hai sản phẩm tại hai thời điểm khác nhau ở hai nơi khác nhau, một người tiêu dùng bình thường rất dễ nhầm lẫn hai sản phẩm là một hoặc có cùng nguồn gốc.
Cơ quan chức năng Đài Loan kết luận: Công ty Best Shine đã vi phạm các quy định về cạnh tranh lành mạnh, phải thu hồi sản phẩm trên thị trường và loại bỏ bao bì “lập lờ”đó. Quả là: thấy “con rồng” của người khác sinh ra có tuổi đời cao, vừa đẹp đẽ vừa nổi tiếng, Công ty Best Shine liền “chơi xấu” cũng sinh hạ con rồng tương tự, nhằm “rồng đè rồng”, cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không có “cái gậy” của cơ quan pháp luật trừng trị thẳng tay, ắt hẳn người tiêu dùng sẽ bị lừa đẹp!
Một số vụ việc điển hình trên cho thấy rằng, dùng những mánh khóe ma mãnh “bất chấp” các nguyên tắc về cạnh tranh lành mạnh có thể lừa được một vài, thậm chí nhiều người, song không thể mãi mãi lừa được tất cả mọi người. Và cuối cùng chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp phải rắc rối do chính mình tạo ra.
Theo bwportal