Để thuyết trình thuyết phục ở công sở

Nhiều người cảm thấy lo lắng, thậm chí hoảng sợ khi phải thuyết trình trước đông người. Nhưng trong công việc, nếu thuyết trình tốt, bạn sẽ có cơ hội để khẳng định mình với sếp cũng như các đồng nghiệp, tạo bàn đạp đi tới thành công.

1. Giới thiệu và nhắc lại các ý chính
Hầu hết, những bài thuyết trình đều có mục đích rõ ràng và ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, bạn nên làm việc nghiêm túc, tập trung để có được một bài phát biểu lôi cuốn. Hãy thu thập tài liệu và tổ chức nội dung bài diễn thuyết theo những ý chính để khán giả tiện theo dõi.

Nên nhớ rằng, không phải ai nghe qua cũng hiểu ngay nội dung bạn định nói. Thậm chí có những người mù tịt về những gì mà bạn đang đề cập. Bởi vậy, bạn phải hướng họ đi theo những luận điểm trong bài thuyết trình. Những luận điểm đó sẽ giúp khán giả hình dung được những gì mà họ đang nghe và hiểu hơn về nội dung bạn muốn chia sẻ.

Trong quá trình nói chuyện, thi thoảng, bạn nên nhắc lại các ý chính để khắc sâu hơn trong tâm trí người nghe. Với những người quen hùng biện, họ gọi đây là quy tắc “nêu những gì sẽ nói và nhắc lại điều đã nói”.

2, Nói chuyện bằng mắt
Nói như thế không có nghĩa là bạn cứ nhìn chằm chằm vào người ta, nhưng khi bạn nhìn vào người nghe, họ sẽ cảm thấy bạn đang thực sự nói chuyện với họ chứ không phải là với căn phòng mà họ đang đứng, họ sẽ chú ý hơn vào bài phát biểu của bạn.

Đừng hướng ánh mắt của bạn lên trần nhà hay bất cứ nơi nào khác bởi điều đó gây cho người ta cảm giác bạn đang không tự tin. Khi bắt gặp ánh mắt của ai đó đang nhìn bạn, hãy dừng lại vài giây. Tuy nhiên bạn không nên nhìn quá lâu hay tỏ ra thiếu tự nhiên bởi đây là điểu tối kị khi diễn thuyết. Cố gắng duy trì ánh mắt tự nhiên như lúc nói chuyện với một người quen vậy.

Nếu bạn cảm thấy thật khó để nhìn vào mắt người ta, bạn có thể nhìn vào khoảng giữa lông mày của họ. Như thế sẽ khiến bạn không còn bối rối hay thiếu tự nhiên mà còn khiến người đối diện cảm giác bạn đang nhìn vào mắt họ.

3, Tự nhiên
Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi, tại sao một số người có thể nói chuyện rất lôi cuốn trong khi một số khác gây cho người ta cảm giác tẻ nhạt và nhàm chán khi nói chuyện? Thực tế, có nhiều yếu tố tạo nên một buổi diễn thuyết hấp dẫn nhưng cách nói chuyện tự nhiên của người diễn thuyết đóng vai trò không nhỏ.

Để cho cách nói của mình được tự nhiên, không quá gò bò sách vở, bạn hãy linh động, thường xuyên thay đổi âm lượng, âm điệu cũng như cảm xúc như thể bạn đang nói chuyện hằng ngày với bạn bè, đồng nghiệp. Một người bình thường có thể đọc 200 đến 300 từ trong một phút và có thể nói 100 đến 150 từ cũng trong khoảng thời gian đó. Nếu cứ nói một cách đều đều, không âm điệu, không cảm xúc, khán giả sẽ cảm thấy bạn không phải đang nói mà là đọc, đọc với tốc độ chậm rãi, từ từ khiến người nghe sốt ruột. Đây chính là nguyên nhân gây nên sự mất tập trung. Vì thế, giữ cho lời nói, hành động thật tự nhiên là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công.

4, Tìm hiểu về không gian, địa điểm thuyết trình
Nói chuyện trước công chúng là việc dễ gây cho bạn sự lo lắng, căng thẳng, vì vậy, bạn nên chú ý đến cả những chi tiết nhỏ để phòng ngừa tình huống bất ngờ xảy ra. Đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi khuyên bạn dành chút thời gian ngó qua phòng thuyết trình, để xem cách bố trí đồ đạc, điểm đặt máy chiếu, vị trí bạn sẽ đứng và mọi người sẽ ngồi đâu.

Nếu quá bận rộn không đến xem phòng trước được, bạn cũng nên tìm hiểu qua vài thông tin chủ chốt: diện tích phòng và lượng khán giả. Nếu bạn chỉ thuyết trình trước 20 người nhưng căn phòng lại có thể chứa tới 100 người, bạn phải chuẩn bị để nói to, rõ hơn, vừa nói vừa có sự di chuyển vị trí cho hợp lý. Nhiệt độ trong phòng cũng là yếu tố cần tìm hiểu bởi nếu không biết rõ điều này, bạn có thể bị lạnh cóng hay tệ hơn là đổ mồ hôi khi thuyết trình.

Cuối cùng hãy báo trước cho những người liên quan chuẩn bị những gì bạn cần khi thuyết trình như micro, loa, máy chiếu… Tất nhiên, đây chỉ là những yếu tố tiểu tiết, tuy nhiên càng chu đáo bao nhiêu thì bài thuyết trình của bạn sẽ thành công bấy nhiêu.

5, Nhanh chóng bỏ qua lỗi khi thuyết trình 
Cho dù bạn có luyện tập kĩ bao nhiêu đi nữa thì vẫn có thể mắc một vài lỗi nhỏ khi thuyết trình. Đây là tình huống không ai muốn gặp và bạn nên chuẩn bị tâm lí ứng phó. Bạn cần phải nghiêm túc với chính mình nếu muốn người nghe tôn trong bạn. Những lỗi về phát âm có thể xảy ra, đôi khi vì nói nhanh, bạn có thể bị vấp nhưng đừng quá bận tâm đến đó.

Đa số người nghe không để ý đến lỗi nhỏ đó mà chỉ tập trung vào nội dung của bài thuyết trình. 9 lần bạn mắc lỗi, khán giả đều bỏ qua thì đến lần thứ 10 họ cũng chẳng để tâm làm gì. Khán giả chỉ quan tâm bạn đang trình bày nội dung gì, điều đó có ý nghĩa thế nào với họ mà thôi. Vì vậy nếu bạn cứ để ý đến lỗi của mình, vô tình bạn đã kéo khán giả tập trung vào đó. Tốt hơn hết, bạn cứ bỏ qua những lỗi ấy thật nhanh, giữ thái độ bình tĩnh và lấy nội dung bài nói để ghi điểm.

Theo tapchilamdep