Nếu đem “cân đong” giữa nợ công của Việt Nam với các nước đang “nặng nợ”, thì gánh nợ công của nước ta không phải là vấn đề quá lo ngại. Tuy vậy, báo cáo: “Nợ công Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc thực hiện đã nhận định rằng, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả là “mầm mống” đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Số liệu cho thấy, ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của nước ta vào khoảng 58,7% GDP, trong đó nợ công nước ngoài là 31,1% và nợ công trong nước là 17,6% GDP. Chỉ tính riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ lãi và gốc lên tới xấp xỉ 5,44 tỷ USD tương đương 4,5% GDP của năm 2011. Nhóm nghiên cứu báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công có lẽ không nằm ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách mà chính là những khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư và doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP. Nợ trong nước của khu vực doanh nghiệp nhà nước được ghi nhận trong Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp của Bộ Tài chính cũng chiếm khoảng 16,5% GDP. Như vậy, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, con số nợ công của Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn. Mặc dù nợ nước ngoài có thể được hưởng lãi suất thấp, nhưng nó lại tiềm ẩn đầy rủi ro do sự mất giá của đồng nội tệ khiến cho “gánh nợ” nước ngoài tăng lên theo tỷ giá.
Cùng với nợ nước ngoài, gánh nợ công trong nước cũng đang đè nặng lên cán cân tài khóa hàng năm. Cụ thể, tổng nợ công/thu ngân sách hiện nay đã vượt 220,6% thu ngân sách và nghĩa vụ nợ công/thu ngân sách cũng lớn tới 21,6%. Ước tính, trong giai đoạn 2012-2014, mỗi năm nước ta phải phát hành khoảng 100-120.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, tương đương hơn 15% tổng thu ngân sách chỉ để trả nợ gốc và thanh toán nợ lãi trong nước. Theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nợ công chỉ thực sự an toàn khi đi cùng với nó là tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện hiệu quả, việc chi tiêu công được rành mạch.
Trên thế giới, nợ công đang trở thành gánh nặng trĩu vai cả châu Âu cũng như nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ, song ở Việt Nam, nợ công đã có cải thiện đáng kể. Một chiến lược mới về nợ công vừa được Chính phủ phê duyệt. Song có ý kiến cho rằng cách tính nợ cần hợp lý và chuẩn mực hơn. Sự rành mạch và minh bạch trong chi tiêu công cũng cần được thể hiện rõ ràng trong con số về nợ công. Chẳng hạn cần rạch ròi khoản tiền Chính phủ phải trả thay cho doanh nghiệp có tính vào nợ công hay không và cơ quan nào chịu trách nhiệm. Để đánh giá những rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công, khu vực doanh nghiệp nhà nước phải công khai các báo cáo tài chính, các khoản nợ và phân loại nợ.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đưa ra ba “kịch bản” nợ công của nước ta cho 15 năm tới. Mô phỏng theo ba “kịch bản” được tính toán trên hai giả định và dựa trên 5 yếu tố. Kịch bản nào cũng không thể coi nhẹ nợ công và những khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước không thể để Chính phủ đứng ra “gánh nợ” hộ.
Theo Kinhtetapdoan