Marketing Công nghiệp gia công Việt Nam

Công nghiệp gia công Việt Nam

17
Hãng Dell của Mỹ không có nhà máy, thậm chí còn không có cả kho. Hãng đặt thiết kế, gia công và đóng nhãn sản phẩm ở Đài Loan, làm vỏ ở Hồng Kong và lắp ráp ở Thẩm Quyến. Hiện thế giới đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, DN Việt Nam đứng đâu trong chuỗi giá trị này vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Sau một thời gian dài xây dựng thương hiệu cho bột giặt Bay và Veo không hiệu quả, ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC) quyết định nhận gia công hàng cho công ty đa quốc gia đang kinh doanh cùng ngành hàng tại Việt Nam. Bài toán mà ông Nhơn đưa ra là kiếm thêm doanh thu, tận dụng các trang thiết bị mới lắp đặt với công suất lớn và đội ngũ nhân công đang rỗi việc. thực tế, nhờ bài toán này mà ICC đã gỡ được khó khăn trong lúc sản phẩm mới tung ra chưa có thị phần và thương hiệu. Tương tự, Công ty Sơn Đồng Nai cũng đưa ra nhiều dòng sơn trang trí chất lượng cao nhưng sau nhiều nỗ lực, thương hiệu này vẫn không được đón nhận rộng rãi. Vì vậy, công ty này cũng đã chọn hướng gia công thêm cho một công ty sơn nước ngoài tại Việt Nam.
Không chỉ tận dụng năng lực sản xuất, tìm nguồn thu ổn định, việc gia công còn giúp DN nâng cao nội lực, kỹ thuật chuyên môn. Dược sĩ Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SVP, cho biết :”Hợp tác sản xuất thuốc với GSK đã giúp SVP nâng cấp thành công hệ thống chất lượng theo chính sách và hướng dẫn chất lượng toàn cầu của GSK. Chất lượng thuốc của SVP vì vậy đã đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đến thị trường dược phẩm các nước có nền công nghiệp dược phát triển. Bên cạnh đó, GSK cũng có nhiều chính sách đào tạo và chuyển giao những kiến thức, kinh nghiệm về quản lý chất lượng cho SVP, qua đó SVP cũng giảm thiểu tối đa những sai sót cùng với giảm chi phí, tăng sản lượng và rút ngắn thời gian sản xuất dẫn đến giảm giá thành sản phẩm”. Đại diện Công ty Dược Imexpharm cũng cho biết : “Trước đây, khi chưa có thương hiệu, chúng tôi đã nhận gia công cho hãng Sandoz, và hơn 70% doanh thu là nhờ gia công. Cũng nhờ gia công, Im-expharm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và củng cố dần nội lực, xây dựng được uy tín thương hiệu. Đến nay, doanh thu gia công của Imexpharm chỉ còn 5%”. Tương tự, năm 2010, doanh thu của Công ty Bột giặt Lix cũng tăng trưởng 150% so với năm 2009 và quý 1/2011, doanh thu từ gia công của Lix cũng tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từng gia công giày xuất khẩu cho các công ty nước ngoài, sau một thời gian tích lũy kỹ thuật, nâng cao tay nghề cũng như nắm bắt được nhu cầu, đòi hỏi khắt khe về chất lượng của thị trường nước ngoài, ông Vương Văn Thịnh cũng đã mạnh dạn ra riêng và xây dựng thương hiệu giày WT. “Không làm thương hiệu thì DN chỉ có chết. Xây dựng thương hiệu riêng thì tất nhiên mình vất vả, nhưng lợi ích toàn diện, 100% là của mình. Một đôi giày như thế, đâu phải tôi lời 1USD là được”, ông Thịnh cho biết. Trong cấu thành của WT hiện nay, hầy hết là xuất xứ Việt Nam. Khoảng 80% là từ nguồn trong nước. Hoặc công ty May Thêu Thuận Phương, gần 10 năm sản xuất các sản phẩm như quần áo thêu, tấm trải giường, gối, khăn trải bàn xuất khẩu đi các nước Đông Âu, nhưng đến năm 2001, công ty này mới tạo được bước ngoặc lớn sau khi kỳ kết hợp đồng gia công áo jacket nam cho hệ thống siêu thị khu vực Bắc Mỹ của tập đoàn bán lẻ Wal-Mart. Đây là hướng đi có lãi cả về kinh doanh lẫn thương hiệu đối với Thuận Phương do kênh phân phối Wal-Mart quá lớn.
Ngoài những cái được, không ít DN gia công cũng chịu nhiều cái….mất. Một trong những cái mất lớn nhất là thương hiệu của chính mình, hoặc phải đối đầu, cạnh tranh với chính sản phẩm mình gia công, cơ hội tự xây dựng một thương hiệu mạnh cũng như cơ hội tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng không còn. Nhưng đơn vị kém năng lực có thể mất luôn thương hiệu, dẫn đến trở thành một xưởng gia công chuyên nghiệp cho hệ thống phân phối. Đơn cử, thương hiệu Lix đang gia cong cho Omo, thương hiệu bột giặt của Tập đoàn Unilever. Dù thừa nhận việc gia công giúp Lix tối ưu hóa công suất của dây chuyền nhà máy, nhưng thị phần hàng hóa mang thương hiệu Lix ngày một giảm trong kênh phân phối hiện đại. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty SX-TM-DV Quỳnh Minh Quân (QMQ), cũng cho biết: “Khi nhận gia công mặt hàng cùng loại cho một DN khác, tuy doanh thu chung của công ty vẫn tăng trưởng tốt, nhưng doanh thu bán các mặt hàng của công ty lại giảm do kênh phân phối của đơn vị đặt hàng gia công quá rộng nên đã lấn át thị phần của QMQ”. Thực tế, ở các siêu thị, việc DN nhận gia công nhãn hàng riêng cho kênh phân phối nay còn là một áp lực rất lớn và doanh thu của các DN này ở các kênh siêu thị thường bị giảm do phải cạnh tranh với chính hàng của mình.
Cũng có nhiều DN “né” cạnh tranh bằng cách chỉ gia công cho các DN chuyên xuất khẩu, hoặc trong tình thế phải gia công nhãn hàng riêng cho các kênh bán lẻ thì chọn hướng gia công những sản phẩm “không đụng hàng” với sản phẩm đang bán trong siêu thị. Chẳng hạn, Công ty CP Hải Sản SG Food (SG Fisco) chỉ tập trung làm hàng nhãn riêng với các mặt hàng đã bão hòa trên thị trường và ít khác biệt với các sản phẩm của các DN khác như cá viên, đầu cá hồi…Còn những sản phẩm chủ lực như lẩu hải sản, lẩu các loại, dồi lươn… thì chỉ bán bằng thương hiệu của SG Fisco. Thậm chí, cách đây ít lâu còn có chuyện Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ra công văn yêu cầu :” Các đơn vị không được ký tiếp hợp đồng gia công bột giặt với các đơn vị ngoài Tổng công ty (trừ Lever Việt Nam hoặc các đơn vị có vốn của Lever Việt Nam)”…

Theo Marketingchienluoc