Bạn vừa trải qua một cuộc phỏng vấn và kì vọng rất nhiều. Giờ là quãng thời gian sốt ruột nhất trong quá trình tìm việc: chờ đợi nhà tuyển dụng liên lạc. Tuy nhiên, thay vì thụ động chờ đợi, bạn có thể chủ động để tăng cường cơ hội thành công của mình.
Các chuyên gia nghề nghiệp đưa ra một số lời khuyên hữu ích sau để bạn thực hiện trong thời kì “ hậu phỏng vấn”:
Gửi thư cám ơn người phỏng vấn
Đừng quá băn khoăn rằng mình nên viết thư tay hay gửi email. Điều quan trọng nhất là bạn phải gửi chúng đi. Laura DeCarlo, chủ tịch của Career Directors International, một hiệp hội nghề nghiệp toàn cầu, cho biết: “ Dù bạn để tâm tới nó hay không, sẽ có người mong chờ thư cảm ơn.”
Hình thức của thư cám ơn không phải ở đâu cũng như nhau mà phụ thuộc vào văn hóa của từng công ty. Ví dụ, nếu xin việc ở những công ty truyền thống, cổ điển, bạn nên viết thư tay. Còn nếu ứng tuyển ở những vị trí như marketing hay nhân viên truyền thông xã hội, hãy gửi email. Peggy McKee, người thành lập trang web career-confidential.com, thích nhận được thư cám ơn qua email của ứng viên ngay sau ngày phỏng vấn. McKee giải thích: “ Hành động nhanh, dứt khoát thể hiện sự hứng thú thực sự của ứng viên tới vị trí tuyển dụng.”
Thư cám ơn cũng là công cụ để “ rao bán” bán thân bạn. DeCarlo nói: “ Hãy cám ơn người phỏng vấn và sau đó, nhắc lại lí do bạn có thể là ứng viên hoàn hảo nhất cho vị trí. Kết thúc thư là câu hỏi về các bước tiếp theo bạn cần làm.”
Chủ động liên lạc với người phỏng vấn
Người phỏng vấn nói cô/ anh ấy sẽ báo cho bạn biết vào thứ 3 nếu bạn thành công trong vòng tiếp theo. Giờ đã là thứ 5 và bạn vẫn chưa nghe thấy tin tức gì. Có thể là bạn đã thất bại. Hoặc người phỏng vấn quá bận rộn và quên. Bạn nên làm gì tiếp theo?
Hãy chủ động gọi điện thoại hoặc gửi email cho người phỏng vấn. Nếu trong vài ngày bạn vẫn chưa nhận được phản hồi, hãy tiếp tục để có câu trả lời cuối cùng. Bạn có thể nghĩ rằng việc làm đó sẽ làm phiền nhà tuyển dụng. Nhưng nếu tin nhắn của bạn lịch sự và ngắn gọn, hầu hết người phỏng vấn sẽ ấn tượng bởi sự kiên nhẫn, kĩ năng giao tiếp và niềm hứng thú với công việc của bạn.
” Ứng viên không nên lo lắng người khác đánh giá về mình ra sao trong trường hợp này mà hãy cố gắng chứng tỏ mình có thể đóng góp cho tổ chức như thế nào”. McKee nói. “ Điều quan trọng là hãy thể hiện thông điệp của bạn một cách tích cực. Đừng tỏ ý trách móc người phỏng vấn đã không nhớ lời hẹn, chỉ cần nhắc lại một chút về cuộc phỏng vấn đó và hỏi tình hình hiện tại ra sao. Bạn có thể cần chuẩn bị trước kịch bản cho cuộc nói chuyện để duy trì sự chuyên nghiệp.”
Củng cố thêm
Có thể bạn cảm thấy rằng mình không tạo ấn tượng tốt nhất trong cuộc phỏng vấn. Vậy giai đoạn “hậu phỏng vấn” chính là cơ hội để bạn khẳng định mình.“ Hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn sẽ cung cấp cho họ thêm nhiều thông tin hơn như bằng cấp, giấy chứng nhận, người giới thiệu…”, McKee nói.”
Nhưng nếu lí do bạn nghĩ rằng mình thể hiện chưa tốt chỉ là những điều nhỏ nhặt như làm đổ tách cà phê, hãy bỏ qua nó. DeCarlo giải thích: “ Nếu bạn hướng sự chú ý tới nỗi xấu hổ của mình và những điều nhỏ nhặt, nó khiến mọi người nghĩ rằng bạn cảm thấy bất an, thiếu tự tin.”
Vượt qua thất bại
Khi bạn nghe từ người phỏng vấn rằng mình đã thất bại, bạn nên làm gì? DeCarlo đưa ra lời khuyên: “ Trước tiên, hãy cám ơn họ vì đã thông báo cho bạn. Sau đó, đề nghị người phỏng vấn đưa ra một số nhận xét để bạn có thể rút ra bài học cho những cuộc phỏng vấn trong tương lai. Bạn có thể bị từ chối nhưng hành động đó chứng tỏ bạn quan tâm tới việc cải thiện bản thân và ham học hỏi.
Cuối cùng, nếu có thể, hãy giữ liên lạc với người phỏng vấn. Anh/ chị ấy có thể là một người trong mạng lưới quan hệ của bạn và cung cấp thông tin quan trọng tới bạn khi cần.
Theo Dân trí / Yahoo