Cho dù là bữa tiệc trang trọng do sếp lớn đứng ra tổ chức hay buổi dã ngoại với đồng nghiệp, ấn tượng bạn để lại cho mọi người sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của bạn. Vậy đâu là bí quyết giúp bạn tỏa sáng tại các sự kiện của công ty?
Phân định rõ khác biệt giữa tham dự bắt buộc và không bắt buộc
Nếu tổng giám đốc tổ chức buổi dã ngoại cho toàn thể nhân viên công ty ở ngoại ô thì cho dù có bận bịu chuyện gia đình, bạn cũng không nên vắng mặt. Trong những sự kiện mang tính toàn thể như thế, các cá nhân không tham dự rất dễ bị chú ý.
Ngược lại, nếu bạn được mời tham dự đám cưới của đồng nghiệp và bản thân bạn cũng không thân với người này, bạn có thể lịch sự từ chối – dành thời gian quý báu cho mình và tránh những phút “rượu vào lời ra” trong những dịp tụ họp với đồng nghiệp.
Theo tiến sĩ Susan Newman, tác giả cuốn sách The Book of No: 250 Ways to Say It — and Mean It and Stop People-Pleasing Forever, “Nếu bạn phân định rõ ràng những đồng nghiệp nào là bạn thân và những ai chỉ nên giữ quan hệ đồng sự trong công việc thì bạn sẽ có thể quyết định có nên trộn lẫn công việc và đời tư hay không”.
Đừng thể hiện mình qua thức ăn và tửu lượng
Quá tập trung trong việc thưởng thức các món ăn sẽ khiến bạn có thêm những biệt danh không dễ thương chút nào. Theo nhà tư vấn hình tượng Dianne Daniels, bạn có thể nghĩ việc chén chú chén anh là bình thường, nhưng nốc bia rượu “thậm chí còn “dễ chết’ hơn vì những suy nghĩ bí mật của bạn về đồng nghiệp, sếp và công việc dễ bị hớ ra khi bạn đã ngà say.”
Ăn mặc phù hợp
Bạn không cần thiết phải diện những bộ đồng phục công sở quá nghiêm túc nhưng cũng đừng đem những mốt thời trang quá mới mẻ để thử nghiệm tại các sự kiện của công ty.
Đừng “ám” sếp
Hẳn nhiên, những sự kiện của công ty là cơ hội tốt để bạn chào hỏi và trò chuyện với các sếp lớn. “Nhưng hãy nhớ rằng nếu cách bạn tiếp cận sếp vượt quá mức độ thân thiện cần thiết hoặc cả buổi tiệc bạn cứ tò tò theo sếp thì bạn chỉ khiến người khác quay lưng lại với mình. Chỉ nên tận dụng cơ hội cho sếp thấy bạn và chào hỏi, chứ đừng lẽo đẽo theo sau cốt để gây ấn tượng với các cấp lãnh đạo”, Daniels cho biết.
Nói những điều tích cực hoặc “im lặng là vàng”
Không môi trường làm việc nào là hoàn hảo và dĩ nhiên bạn cũng có ít nhất vài chuyện không hài lòng về công việc. Bạn cũng có thể đề cập chứ không đến nỗi quá kìm nén, nhưng hãy nhớ: Các sự kiện của công ty không phải là nơi lý tưởng để “trút cạn nỗi niềm”. Bạn sẽ không biết được ai đang đứng trong dòng người xếp hàng chờ lấy buffet và họ có thể nghe thấy những lời càu nhàu của bạn.
Mở rộng mạng lưới xã hội
Theo thói quen, chúng ta thường chỉ tụ tập và nói chuyện với các đồng nghiệp cùng phòng ban. Nhưng những dịp như thế này thường là cơ hội tốt để bạn quen biết thêm đồng sự mới. Có thể bạn không thể cười sảng khoái khi làm quen với người mới, nhưng hãy cố gắng bắt chuyện với họ, dù chỉ ngắn ngủi, để tạo dựng quan hệ cho mình.
Theo tiến sĩ Michael Ray Smith, giáo sư chuyên về giao tiếp của Đại học Campbell, “Hãy chào hỏi càng nhiều người càng tốt, giống như bạn đánh một vòng số 8 trong buổi tiệc vậy. Đừng chỉ ngồi đó, trò chuyện với chỉ một người. Điều đó không những thiếu tế nhị mà còn là điều không nên làm trong công việc.”
Không quên cảm ơn chủ tiệc
Trong một thế giới mà lòng biết ơn hay bị cho là dư thừa và bị quên lãng, việc thể hiện sự cảm kích của bạn đối với những người đã bỏ công sức làm nên sự kiện không chỉ là động thái khôn ngoan trong công việc mà còn giúp bạn nổi bật như một trong số ít các nhân viên không quên nói cám ơn. Hãy làm điều này với đồng nghiệp, các sếp và các khách hàng quan trọng của công ty.
Theo Dân trí