Chiến lược Cân bằng “nghĩa vụ” – “nhu cầu”

Cân bằng “nghĩa vụ” – “nhu cầu”

12
Trong thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay, CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – DN) trở thành một thử thách bởi đây là hoạt động ngốn khá nhiều kinh phí, thời gian lẫn nhân lực. Lựa chọn con đường vừa đảm bảo trách nhiệm xã hội không xao nhãng nhưng vẫn bảo toàn kinh phí đang là thử thách của nhiều DN.

Từ trách nhiệm cộng đồng đến thương hiệu tuyển dụng
Năm 2006, Công ty Liên doanh Việt Nam và Đan Mạch E-softfow chính thức hoạt động tại Việt Nam. Hơn 5 năm hoạt động trong ngành công nghệ thông tin, điều đặc biệt là E-softfow hoàn toàn đứng ngoài vòng xoáy nhảy việc, vốn diễn ra thường xuyên ở nhân lực ngành công nghệ. 
Cán bộ chủ chốt rời bỏ công ty rất ít và tỷ lệ mất người sau đào tạo của E-softfow là cực thấp. Không dừng lại ở đó, danh sách nhân lực đăng ký, chờ để vào E-softfow làm việc ngày càng dài những năm gần đây.

Ông Thomas Frienberg, Giám đốc Điều hành E-softfow, tiết lộ: “Không phải vì lương cao hay đãi ngộ hấp dẫn, ở E-softfow, điều khiến nhân viên hài lòng nhất là môi trường làm việc”.
So với ngày đầu thành lập, E-softfow đã cải thiện môi trường làm việc để không đi vào lối mòn, công sở không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi nhân viên thoải mái nhất. E-softfow xúc tiến tạo việc làm cho nữ giới, mở cửa thuê người khuyết tật, những người khiếm thính, khiếm thị và nhất là tạo điều kiện cho những người vùng quê có cơ hội được đào tạo và làm việc cho ngành công nghệ thông tin.

Dù có sự chênh lệch về trình độ, khả năng… nhưng khả năng làm việc của nhân viên E-softfow không bị cản trở lẫn nhau, mà trái lại, sự giúp đỡ, dìu dắt lẫn nhau khiến không khí tại đây không khác gì một gia đình lớn. Người bình thường sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những người khuyết tật ngay cả trong những việc tế nhị nhất là đẩy xe lăn giúp những đồng nghiệp đặc biệt này đi vệ sinh hay hỗ trợ để họ cùng tham gia các hoạt động của công ty.

“Hết giờ làm việc, nhân viên của chúng tôi thậm chí không về nhà ngay mà còn nấn ná ở lại cùng nhau”, ông Thomas Frienberg chia sẻ. Riêng về các hoạt động xã hội, nhân viên của E-softfow tự tổ chức cùng nhau. Dựa trên thực tế là những đồng nghiệp khuyết tật cần gì, họ bắt đầu tổ chức giúp đỡ những người khuyết tật khác như thế.
“Cải thiện môi trường làm việc, mở rộng cửa, tạo điều kiện cho các thành phần đặc biệt của xã hội tham gia công việc chính là một trong những cách làm CSR khó nhất nhưng thiết thực nhất”, ông Albertsen, Đại sứ quán Đan Mạch tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định.

Khác với các hoạt động tài trợ, gây tốn kinh phí nhưng hiệu quả không lâu dài, chọn chiến lược CSR như E-softfow dẫu tốn nhiều thời gian nhưng hiệu quả dành cho DN là có thật.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, bỏ chi phí cho các hoạt động tài trợ, giúp đỡ cũng rất khó khăn. Chúng tôi đã tạo nên một thế giới tốt đẹp, dù quy mô nhỏ, chỉ trong công ty, nhưng lại tác động rất tích cực đến nhân viên. Nhờ chiến lược này mà E-softfow gây dựng được thương hiệu tuyển dụng cho mình, chúng tôi không phải thất thoát khoản phí đào tạo vì nhân viên tận tâm hoàn thành công việc được giao”, ông Thomas Frienberg cho biết.

“Ký gửi” CSR
Hầu hết các DN đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, triển khai CSR đã khó lại càng khó khăn hơn. Bản thân có chương trình CSR thành công nhưng ông Thomas Frienberg cũng thừa nhận, để triển khai chương trình này không đơn giản.

Bản thân ban lãnh đạo DN phải cam kết và xem CSR là tôn chỉ và đưa nhiệm của CRS vào chiến lược của DN. Rất mừng là với một quốc gia có truyền thống tương trợ lẫn nhau như Việt Nam, CSR không đơn thuần là nghĩa vụ mà còn là nhu cầu.

Ông Albertsen cho biết, nhu cầu CSR ở Việt Nam cao hơn các nước phát triển và các hình thức để làm CSR cũng dễ dàng hơn do xã hội còn khó khăn, vẫn còn cần rất nhiều hỗ trợ từ phía DN.
Tuy nhiên, các hoạt động CSR của DN Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả thực sự cho DN bởi các hoạt động chỉ mới chủ yếu ở việc bỏ tiền tài trợ. Khi xây dựng CRS, đội ngũ lãnh đạo DN cần có một “la bàn” CSR để hoạt động xã hội của mình không lạc hướng.

Điển hình như việc trước khi bắt tay vào làm CRS, điều kiện tiên quyết của DN là phải “dọn sạch” mình và đánh giá rủi ro của DN để tìm ra nhiệm vụ xã hội của mình thì DN Việt Nam lại không chú ý. “Đó chính là lý do vì sao rất nhiều DN Việt Nam than vãn rằng mình có bỏ tiền để làm các hoạt động xã hội nhưng vẫn bị lên án là gây hại đến môi trường hay vắt sức lao động của công nhân…”, ông Albertsen lý giải.
Theo vị đại sứ này, các DN Trung Quốc, Ấn Độ thời gian trước cũng vấp phải tình trạng tương tự. Một số DN ở hai quốc gia này đã tham gia vào chương trình hỗ trợ CRS cho DN của Hội đồng Thương mại Đan Mạch, “ký gửi” hoạt động CRS và được hỗ trợ khảo sát nhiệm vụ CSR của mình.

Cụ thể, đối với một công ty sản xuất thuốc trừ sâu thì phòng ngừa nước thải của DN gây hại cho môi trường là trách nhiệm xã hội đầu tiên và lớn nhất. Nordlux, hãng sản xuất bóng đèn của Trung Quốc là một trong những điển hình tiến hành CSR thành công từ việc khảo sát nhiệm vụ CSR của mình. “Nếu không có gì thay đổi, vào năm 2013, chúng tôi sẽ triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí này cho DN Việt Nam”, ông Albertsen cho biết.

Theo Nhuongquyenvietnam