Steve Jobs: Bài học lãnh đạo thực sự ( Kỳ 1)

Sự tập trung và tính đơn giản hoá
Câu chuyện về Steve Jobs là sự tạo hóa kỳ diệu của tinh thần doanh nhân mà ai cũng phải thừa nhận: Steve Job, người đồng sáng lập ra hãng Apple trong gara ô tô của bố mẹ mình vào năm 1976, bị sa thải năm 1985 sau đó quay trở lại để cứu công ty trên bờ vực phá sản năm 1997
Tính đến thời điểm ông ra đi, tháng 10 năm 2011, ông đã thành công trong việc xây dựng nó thành một trong những công ty có giá trị cổ phần lớn nhất thế giới. Trong quá trình làm việc, Steve Jobs đã làm xoay chuyển bộ mặt của 7 ngành công nghiệp: Máy tính cá nhân PC, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, bán lẻ online và công nghệ xuất bản kỹ thuật số (Adobe). Ông thuộc vào hàng ngũ của một trong những nhà sáng chế hàng đầu mà nước Mỹ đã sản sinh, trong đó có Thomas Edison, Henry Ford và Walt Disney. Những con người này không phải thần hay thánh, nhưng lịch sử sẽ ghi nhớ cách họ vận dụng trí tưởng tượng siêu việt của mình trong sáng tạo công nghệ hay kinh doanh dù cho những tính cách cá nhân của họ dần đi vào quên lãng.
Trong một tháng kể từ khi tôi xuất bản cuốn sách về tiểu sử của Steve Job, không biết bao nhiêu diễn giả đã cố gắng chắt lọc những bài học về quản trị từ nó. Trong khi một số độc giả có cái nhìn sâu sắc và đúng đắn thì hầu như mọi người (đặc biệt là những đọc giả không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị) lại quá tập trung vào sự khó tính của ông trong công việc. Cái căn bản và quan trọng nhất từ Steve Jobs theo tôi là sự nhất quán giữa tính cách của ông với cách mà ông làm việc, cùng với đam mê, nhiệt huyết và những cảm xúc mãnh liệt mà ông đã đổ dồn vào những sản phẩm tâm huyết của mình trong công việc hàng ngày. Tính nóng nảy và thiếu kiên nhẫn cũng là một phần không thể thiếu trong chủ nghĩa hoàn hảo ông theo đuổi.
Một trong những lần cuối cùng tôi gặp ông là sau khi cuốn tiểu sử sắp được hoàn thành, tôi hỏi lại ông một lần nữa về chi tiết ông thường rất khó tính với mọi người. Ông trả lời: “Anh hãy nhìn xem, họ đều là những người xuất sắc và thông minh, đúng không? Vậy thì họ có thể chọn cho mình một công việc tốt hơn ở nơi khác nếu như họ thực sự cảm thấy bị đối xử tồi chứ. Nhưng họ không làm vậy.” Sau đó ông ấy dừng lại một lúc và nghẹn ngào, “và chúng tôi đã làm được những điều tuyệt vời.” Thật sự thì Steve Jobs và Apple đã có hàng loạt những sáng tạo bom tấn trong khoảng thời gian hơn chục năm qua, điều mà không một công ty sáng chế nào đương thời có được: iMac, iPod, iPod nano, iTunes Store, Apple Stores, MacBook, iPhone, iPad, App Store, OS X Lion- Không kể đến các hãng phim Pixar. Và những thời khắc cuối cũng vật lộn với bệnh tật, ông vẫn nhận được tình cảm nồng cháy từ những người đồng nghiệp trung thành, những người mà đã được ông truyền cho nguồn cảm hứng trong nhiều năm, người vợ, chị gái và bốn đứa trẻ.
Nhưng tôi thiết nghĩ rằng bài học thực sự chúng ta cần lưu tâm phải được rút ra từ những thành tựu ông đã đạt được. Khi được tôi hỏi sáng chế nào của ông theo ông là quan trọng nhất, tôi nghĩ rằng ông sẽ trả lời rằng đó là iPad hoặc là Macintosh, nhưng thay vì thế ông nói rằng: “Apple mới là quan trọng nhất”. Gây dựng nên một công ty vững mạnh là cả quá trình khó khăn và còn quan trọng hơn nhiều việc làm ra một sản phẩm hoàn hảo, ông nói. Vậy làm thế nào Steve Jobs có thể làm được điều này, câu hỏi này sẽ dành cho các trường học kinh doanh giải đáp trong cả thế kỷ. Dưới đây tôi xin nêu ý kiến của mình về những chìa khóa đã dẫn đến thành công của ông:

Sự tập trung
Khi Steve Jobs trở lại Apple năm 1997, công ty đang chủ yếu sản xuất bảng máy tính và những thiết bị ngoại vi, bao gồm những phiên bản khác nhau của Macintosh. Sau một vài tuần khảo sát sản phẩm, ông không thể chịu đựng thêm, ông hét lên: “Dừng lại, việc này thật điên rồ.” Ông đi bộ trên bàn chân trần đến một cái bảng trắng, cầm một cái bút dạ, vẽ lên một hình tứ giác và tuyên bố: “Đây là những gì chúng ta cần.” Trên đỉnh của mỗi cột dọc vừa vẽ, ông viết chữ “Người tiêu dùng” và “Sản phẩm”. Ông đặt tên cho hai cột nằm ngang là “Desktop” và “Portable”. Công việc của họ là tập trung vào bốn sản phẩm lớn này, mỗi sản phẩm ở một góc của hình tứ giác. Tất cả các sản phầm khác đều nên dừng lại, không làm nữa. Trong phòng im lặng đến kỳ lạ. Nhưng với việc chuyển đổi mục tiêu chiến lược sang 4 sản phẩm về máy tính, ông đã cứu cả công ty Apple. Ông từng nói với tôi là: “Quyết định không làm việc gì cũng quan trọng như quyết định nên làm việc gì vậy… Điều đó là cần thiết đối với các công ty, với sản phẩm”.
Sau khi lèo lái thành công Apple, Jobs bắt đầu công việc đưa 100 người hàng đầu (gọi là top 100) vào một cuộc họp kín hàng năm. Vào ngày trước đó, ông thường đứng trước một cái bảng trắng (ông ấy thích bảng trắng vì nó giúp ông kiểm soát tình hình cũng như tạo ra sự tập trung) và hỏi: “10 thứ tiếp theo chúng ta nên làm là gì?” Mọi người có thể tranh luận để đưa ra luận điểm của mình trong danh sách. Steve Jobs viết chúng ra rồi chuyền cho những người ông ấy yêu cầu im lặng. Sau một loạt tranh luận, hội đồng sẽ đưa ra danh sách 10 công việc cần làm. Jobs gạch 7 công việc cuối cùng đi và tuyên bố: “Chúng ta chỉ có thể làm 3 việc thôi”
Sự tập trung đã thấm sâu vào tính cách con người của Steve Jobs và được mài dũa bởi đạo Phật. Ông không ngừng thanh lọc những gì mà ông cho rằng làm ông sao nhãng trong công việc. Đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình đôi khi cảm thấy tức giận khi cố gắng thuyết phục ông làm những việc mà họ cho là quan trọng như các vấn đề pháp lý hay đi xét nghiệm bệnh tật. Ngược lại, ông thường quay sang lạnh nhạt và từ chối chuyển sự tập trung cao độ của mình sang chuyện khác cho đến khi ông cảm thấy sẵn sàng.
Vào cuối đời, Jobs đã được Larry Page đến nhà ghé thăm, Larry là người vào lúc đó được cho là sẽ nắm quyền kiểm soát Google trong thời gian gần, công ty mà Larry là người đồng sáng lập. Mặc dù hai công ty đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau nhưng Jobs vẫn sẵn sàng đưa ra những lời khuyên hữu ích. “Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự tập trung” ông nhắc. “Hãy nghĩ xem Google muốn trở thành gì khi nó lớn mạnh,” ông nói với Larry. “Sản phẩm bây giờ đã tràn ngập thị trường rồi. Vậy thì 5 sản phẩm anh muốn tập trung là gì? Hãy bỏ tất cả những phần còn lại đi bởi vì chính nó đang kéo chân anh đấy. Họ đang biến anh thành Microsoft. Họ đang khiến anh làm những sản phẩm tốt nhưng không có gì đặc biệt .” Larry đã theo lời khuyên ấy. Vào tháng 1 năm 2012 Larry nói với tất cả nhân viên rằng hãy tập trung vào một số những ưu tiên đặc biệt, ví dụ như Android hay Google+, làm chúng trở nên bắt mắt hơn như cái cách mà Steve Jobs đã làm.

Tính đơn giản hoá
Khả năng tập trung có được từ thực hành đạo Phật của Steve Jobs còn được củng cố bằng những tính cách thiên bẩm của ông gắn với việc đơn giản hóa vấn đề bằng cách tập trung tối đa vào bản chất và loại bỏ những yếu tố không cần thiết bên ngoài. “Sự đơn giản hóa chính là điều phức tạp nhất”, trích một tuyên bố trong tài liệu Marketing đầu tiên của Apple. Để thấy rõ nhất điều đó thì hãy so sánh những sản phẩm của Apple với Microsoft Word, phần mềm mà ngày càng xấu xí cùng với đầy rẫy những menu định hướng và công cụ thiếu tính trực giác. Đó là sự tự hào của Apple trong việc luôn luôn tìm kiếm sự đơn giản, hiệu quả.
Jobs đã học được sự tôn trọng tính đơn giản khi ông còn đang làm việc ca đêm tại Atari, công ty trò chơi, sau khi bỏ học. Những trò chơi của công ty Atari thường không có hướng dẫn cụ thể hoặc cần phải làm cho “đủ thiếu” để người mới chơi có thể khám phá chúng. Hướng dẫn duy nhất trong trò Star Trek của nó là: “1. Ấn bốn góc 2. Tránh Klingons.” Sự yêu thích tính đơn giản của ông trong thiết kế được hiện hữu mạnh mẽ trong các khuôn viên đại học xây dựng theo phong cách Bauhaus (nhấn mạnh những đường sắc nét và những thiết kế chức năng không điệu bộ rườm rà) tại hội nghị thiết kế quốc tế tổ chức hàng năm tại Aspen mà ông tham dự vào cuối những năm 70 thế kỷ trước.
Khi Jobs đến thăm Trung tâm nghiên cứu Xerox’s Palo Alto và nhìn thấy những bản kế hoạch cho một chiếc máy tính có màn hình giao diện đồ họa cùng với một con chuột máy tính, ông yêu cầu bắt đầu thiết kế cả màn hình và chuột cho tiện dụng hơn (ông và đồng nghiệp đã làm ra sản phẩm cho phép người sử dụng có thể kéo và thả các thư mục và tài liệu trên một màn hình ảo) và đơn giản hơn. Lấy ví dụ như, chuột của Xerox có 3 nút và giá là 300 USD; Jobs đã đến một công ty thiết kế công nghiệp địa phương nói chuyện với giám đốc công ty, Dean Hovey, rằng ông ấy muốn một mẫu đơn giản, có 2 nút mà chỉ mất có 15 Đô thôi. Hovey đã đồng ý.
Steve Jobs hướng đến tính đơn giản đến từ sự chinh phục, chứ không phải lờ đi, tính phức tạp của sự việc. Đạt đến tầm của tính đơn giản, như ông nhận ra, đã tạo ra một thiết bị có cảm giác dường như nó làm theo nhu cầu người sử dụng một cách thân thiện hơn chứ không phải làm khó người dùng. “Nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực”, ông nói, “để có thể làm được một cái gì đó có sự tinh tế, để thực sự hiểu được những thử thách đang chờ đón và đưa ra những giải pháp tối ưu.”
Với Jony Ive, trưởng bộ phận thiết kế của Apple, Jobs đã gặp người bạn chí cốt này với mong muốn tạo nên sự đơn giản có chiều sâu chứ không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài. Họ đều hiểu rằng tính đơn giản không phải là chỉ tối giản trong thiết kế và loại bỏ những phần thừa ra. Để loại bỏ những con ốc, các nút bấm, hay những chỉ dẫn thừa ở ngoài màn hình, thì phải hiểu và nắm bắt một cách tường tận về chức năng và vai trò của nó. “Để có được sự tinh tế thực sự, thì bạn phải hiểu rất rất sâu”, Ive giải thích. “Lấy ví dụ như, để không có các ốc vít hay gì đó thì biết đâu bạn lại cho ra một sản phẩm rất lộn xộn và phức tạp. Cách tốt hơn để nắm rõ về tính đơn giản là hiểu tất cả về nó cũng như cái cách nó được làm ra.”
Trong suốt quá trình thiết kế màn hình cho iPod, Jobs đã cố gắng cắt giảm tối đa những phần không cần thiết tại các buổi họp, ông yêu cầu phải lấy được tất cả mọi thứ ông muốn trong 3 cái click, ví dụ như một màn hình điều hành hỏi người sử dụng muốn tìm kiếm theo bài hát, album hay là tác giả. “Tại sao chúng ta lại cần cái màn hình kiểu đó?” Jobs yêu cầu. Các nhà thiết kế nhận ra rằng họ đã không nghĩ như Jobs. “Sẽ mất thời gian để chúng ta có thể vắt óc nghĩ ra một vấn đề về màn hình và ông ấy đến và hỏi ‘Bạn đã nghĩ về điều này chưa’?” Tony Fadell, đội trưởng đội iPod nói. “Rồi sau đó chúng tôi sẽ phải từ bỏ khi ông ấy nói ‘Chết tiệt’. Ông ấy định nghĩa lại các vấn đề hay thay đổi cách tiếp cận khiến các vấn đề nhỏ của chúng tôi không còn nữa.” Có một điều là Jobs luôn đưa ra những gợi ý đơn giản nhất có thể: Hãy gạt bỏ tất cả nút on/off đi. Ban đầu thì các thành viên trong đội ai cũng ngạc nhiên, nhưng rồi sau đó họ nhận ta rằng cái nút ấy là không cần thiết. Thiết bị sẽ từ từ tắt đi khi nó không được sử dụng và sẽ vận hành lại khi ta muốn dùng tiếp.
Cũng tương tự, Steve Jobs đã đưa ra những cắt giảm cho màn hình điều khiển của thiết bị iDVD, cho phép người sử dụng sao (burn) video ra đĩa cứng. Ông đi lên và vẽ một hình chữ nhật trên bảng trắng nói: “ Đây là ứng dụng mới, nó có 1 cửa sổ, bạn kéo video của bạn vào cửa sổ này và bạn kích vào nút có chữ Burn. Chỉ thế thôi, đó là những gì mà chúng ta sẽ làm.”
Trong khi tìm kiếm những sản phẩm hay công việc cần thiết phải loại bỏ, Jobs luôn luôn hỏi rằng ai đã làm phức tạp hóa sản phẩm này quá mức bình thường. Trong năm 2001 khi những thiết bị nghe nhạc cầm tay và các thức thể tải và mua các bài hát online trở lên dễ dàng hơn, ông đã cho ra đời sản phẩm iPod và iTunes Store. Điện thoại di động là thứ tiếp theo. Jobs vơ lấy một chiếc điện thoại tại một hội nghị và quát to (chính xác là như vậy) rằng không ai có thể có khả năng khám phá được một nửa tính năng của cái thiết bị này, kể cả cái danh bạ. Trong những năm tháng cuối sự nghiệp của mình, Steve Jobs để mắt đến ngành công nghiệp Ti-vi, khi mà nó còn chưa thể cho phép người sử dụng ấn vào chiếc điều khiển để xem các kênh truyền hình.

Theo Ái Mỹ