Những lỗi thường gặp khi tìm việc

Trong quá trình tìm việc, hầu hết ai cũng mắc ít nhất một sai lầm. Điều đáng tiếc là những sai lầm này hoàn toàn có thể tránh được.
Dưới đây là những lỗi thường gặp nhất trong quá trình tìm việc mà các chuyên gia nghề nghiệp cho rằng bạn hoàn toàn có thể tránh được:
Địa chỉ email không chuyên nghiệp
Jalynn Hadnall ở Công ty tư vấn Ravenwood Forest cho biết: “Những địa chỉ email thể hiện sở thích hay đặc điểm cá nhân (ví dụ như hayhat@…, yeubongda@…) chỉ nên dùng để liên lạc với bạn bè, người thân. Còn trong công việc, hãy lập một địa chỉ email chuyên nghiệp. Có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử cho phép bạn thực hiện điều đó”.
Không có kế hoạch
“Đừng bắt đầu quá trình tìm việc mà không có kế hoạch cụ thể, hoặc tìm việc mà không nghĩ tới việc mình muốn làm việc ở đâu, làm thế nào để ứng tuyển” – Julie Bauke, tác giả cuốn sách Tránh 7 sai lầm có thể phá hỏng quá trình tìm việc, nói.
Theo Julie Bauke, hãy đảm bảo rằng bạn có thể trả lời 3 câu hỏi quan trọng và rất cơ bản trong mọi cuộc phỏng vấn: Tại sao bạn muốn làm việc cho công ty chúng tôi? Hãy nói về bản thân bạn? Bạn dự định tương lai ra sao?
Không kiểm tra vẻ bề ngoài trước khi tới cuộc phỏng vấn
Mario Schulzke – người thành lập trang CareerSparx.com – chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Tôi từng phỏng vấn một người dính rau diếp trên ria mép. Đáng lẽ tôi nên nói với anh ta nhưng quả thật rất khó xử trong tình huống đó”. Dù bạn có sơ yếu lý lịch đẹp ra sao nhưng những ấn tượng ban đầu về vẻ bề ngoài luộm thuộm sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp bạn.
Phụ thuộc vào Internet
Nhiều người tìm việc hiểu lầm vai trò của Internet trong quá trình tìm việc, họ cho rằng chỉ cần nhấp chuột vào các trang web tìm việc thì nhà tuyển dụng sẽ biết tới họ. Bauke nói: “Internet là một công cụ tốt để nghiên cứu và kết nối nhưng bạn không thể tìm được việc nếu chỉ dựa vào nó. Thực tế quá trình xin việc là tổng thể của nhiều hoạt động: nghiên cứu, chuẩn bị, gửi hồ sơ xin việc, phỏng vấn…”.
Đãng trí
“Một sai lầm mà tôi rất hay gặp trong nhiều năm qua là các ứng viên sử dụng cùng một mẫu thư xin việc cho nhiều công việc khác nhau nhưng lại không thay đổi tên công ty và người nhận” – Paul Peterson, một thạc sĩ về quản trị nhân lực, chia sẻ. Ông khuyên: “Hãy cẩn thận trong quá trình xin việc. Thư xin việc cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng công ty và vị trí bạn đăng ký”.
Quên phần chữ ký trong email
Theo các chuyên gia tuyển dụng, chữ ký là nơi hoàn hảo để tóm tắt ngắn gọn kèm đường link dẫn tới sơ yếu lý lịch online của bạn. Ví dụ: “A – kỹ sư môi trường với 7 năm kinh nghiệm, bấm vào đây (hoặc click here) để xem sơ yếu lý lịch đầy đủ”. Tuy nhiên, theo Hudnall, nhiều người tìm việc lại bỏ qua chi tiết này.
Phạm vi tìm việc quá rộng
Bauke nhắc nhở người tìm việc: “Bạn không phù hợp ở mọi nơi và không giỏi mọi thứ. Cuộc tìm kiếm của bạn sẽ hiệu quả hơn nếu bạn tập trung chính xác loại hình công việc bạn muốn và địa điểm cụ thể”.
Không chú ý
“Nhiều người tìm việc không đọc phần giới thiệu công việc cẩn thận nên không làm theo hướng dẫn cụ thể mà nhà tuyển dụng đưa ra – Eddy Salamon, người thành lập trang Workathomeoscam.com và Workathomecareers.com, chia sẻ – Các nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua những ứng viên này vì đã thể hiện sự thiếu chú ý tới chi tiết và không làm như thông báo”.
Chủ quan
Tính chủ quan là nguyên nhân khiến nhiều người lúng túng không trả lời được cả những câu hỏi cơ bản trong cuộc phỏng vấn như: Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn? Bạn biết chắc họ hỏi như vậy, vậy tại sao lại chủ quan không chuẩn bị?
Bỏ qua các câu lạc bộ nghề nghiệp
Nhiều người đã đánh giá thấp tầm quan trọng của các câu lạc bộ nghề nghiệp. Trên thực tế có rất nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp có thể giúp bạn học hỏi, xây dựng các kỹ năng và mở rộng mối quan hệ. Đây cũng là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực của bạn.
Lỗi ngữ pháp hay chính tả trong sơ yếu lý lịch/thư xin việc
“Dù bạn gửi đi bao nhiêu hồ sơ xin việc, mỗi bộ phù hợp với mô tả công việc ra sao, bạn phải xem lại từng bộ và đảm bảo rằng không có lỗi chính tả hay ngữ pháp – Rick Saia, người viết nội dung cho Pongo Resume, khuyên ứng viên – Thậm chí những lỗi nhỏ nhất cũng để lại ấn tượng xấu. Do đó, tốt nhất nên nhờ bạn bè đáng tin cậy hay người thân kiểm tra hồ sơ của bạn trước khi gửi đi”.
Không có sơ yếu lý lịch trên các trang xã hội trực tuyến
“Nhiều nhà tuyển dụng và bộ phận nhân sự sử dụng Facebook hay Twitter như một nguồn thông tin về ứng viên. Nếu không có tài khoản trên các trang xã hội trực tuyến đó, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội để thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm của mình”, Schlzke chia sẻ.
“Dồn ép” người khác giúp mình tìm việc
Trong một số trường hợp, bạn có thể trực tiếp gặp nhà tuyển dụng để tìm hiểu thông tin cụ thể. Nhưng hãy nhớ đó chỉ là một cuộc nói chuyện thông thường, đừng cố gắng chuyển nó thành một cuộc phỏng vấn xin việc trực tiếp.
Tương tự với những người trong mạng lưới quan hệ của bạn, không nên cứ liên tục hỏi họ về cơ hội việc làm. “Khi bạn hỏi dồn người khác để họ giúp bạn tìm việc, họ có thể cảm thấy bị lợi dụng, lừa dối hay thậm chí tức giận” – Ron Katz, tác giả cuốn sách Người được tuyển dụng tiếp theo có thể là bạn, nói.
Không tìm hiểu về công ty
Các chuyên gia nhân sự khuyên bạn dành thời gian để xem qua website công ty, đưa những thông tin quan trọng trên đó vào sơ yếu lý lịch và thư xin việc của bạn. Khi tới cuộc phỏng vấn, hãy chứng tỏ kỹ năng và kinh nghiệm của bạn phù hợp với yêu cầu công việc và chúng mang lại lợi ích cho công ty ra sao. Khi đó bạn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
Không đặt câu hỏi sau cuộc phỏng vấn
“Nếu bạn không đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng, họ có thể nghĩ bạn không hứng thú với công việc”, Saia nói. Do đó, đừng bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự nhiệt tình và quan tâm của mình tới công ty và công việc bằng cách đặt ra những câu hỏi thích hợp.
Quên viết thư cảm ơn
Olmsheid nhắc nhở: “Hãy nhớ gửi thư cảm ơn tới người phỏng vấn. Có thể gửi qua email hoặc gọi điện thoại, nhưng thư viết tay sẽ tạo nhiều thiện cảm hơn”.

Theo 24h