Chuyển nghề, đổi việc – thành công hay thất bại?

Hiện nay không ít một số bạn sẵn sàng từ bỏ khoản thời gian tận tụy với công việc trước kia để theo đuổi cái mới hấp dẫn hơn. Liệu thay đổi nghề nghiệp sẽ là hướng đi mới thành công hay sẽ là thất bại. Và bạn đã chuẩn bị những gì để thích nghi với hướng đi đó.
“Thành tích học tập của em không cao lắm, tốt nghiệp phổ thông xong em quyết định chọn cho mình một trường trung cấp cho an toàn, suy nghĩ mãi không biết nên chọn nghề nào để khi ra trường dễ kiếm việc với tấm bằng trung cấp, em quyết định chọn kế toán – một nghề khá an toàn sau khi tốt nghiệp”. Đó là những lời tâm sự của Vân – nhân viên Biên Tập của một công ty Quảng Cáo -Truyền Thông. Vân nói tiếp: “em biết mình không có năng khiếu với những con số, em thích những việc về viết lách hơn vì đó là sở trường của em. Nhưng những nghề đó khó kiếm việc lắm, nhất là chỉ có tấm bằng trung cấp trong tay thì xác suất còn thấp nữa, thôi thì chọn kế toán cho dễ sống vậy”.
Khi được hỏi tại sao tốt nghiệp ngành kế toán mà bây giờ bạn lại làm công việc biên tập viên, Vân nói: “sau khi tốt nghiệp, em có đi làm một vài nơi, nhưng đúng là đã không có năng khiếu cộng với phải làm công việc mình không thích thì quả thật rất tệ. Hầu như tháng nào em cũng phải làm đi làm lại cái báo cáo thuế, có khi làm hoài vẫn sai, em bị Sếp la tới tấp, có tháng em còn bị trừ lương nữa. Chán nản quá em quyết định nghỉ việc. Trong thời gian nghỉ việc, em được bạn bè giới thiệu làm cộng tác viên viết bài cho website của công ty QC-TT, vốn đúng sở trường của mình, tuy chỉ là cộng tác viên nhưng những bài em viết khá tốt, rồi tình cờ bên công ty đó lại tuyển nhân viên Biên Tập, thế là em “đánh liều” nộp đơn, và kết quả là công việc hiện tại em đang làm.”
Trường hợp trên là một trong những trường hợp điển hình về lý do chuyển ngành của các bạn công nhân viên hiện nay. Có người vì hoàn cảnh tác động, người do chọn nhầm nghề không thích hợp với khả năng ngay từ đầu, và cũng có người vì nguồn kinh tế mà đành từ bỏ công vệc yêu thích… Dù là lý do gì đi nữa, thì một điều bất lợi đối với những người chuyển nghề đó là bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Tất nhiên không phải là con số 0 vì chắc rằng khi làm công việc cũ bạn đã tạo dựng được mối quan hệ cho mình hay cách ứng xử trong công việc cũng như đời sống công sở. Điều khiến bạn phải bắt đầu lại chính là phải gầy dựng lại kinh nghiệm, địa vị, những mối quan hệ trong nghề mới.
Có rất nhiều người vì nguồn thu nhập nghề cũ khá ít, quyết định chuyển hướng sang một nghề khác để có thu nhập cao hơn, nhưng họ không nghĩ đến việc mình có phù hợp với công việc này hay không hoặc đã biết gì về nó để rồi nhận lấy thất bại cho mình. Điển hình là Thu Nga, trước kia bạn làm Tiếp Tân cho một công ty Xuất Nhập Khẩu, gắn bó với công ty lâu năm cộng với bản tính lanh lẹ và tiếp thu công việc tốt, Nga đang được Sếp “ngầm” chú ý cân nhắc chuyển qua bộ phận Hành chính, nhưng Nga không biết điều này. Lương của một Tiếp Tân tương đối không cao khoảng 2,5tr-3tr, với mức lương này quả thật rất chật vật với cuộc sống, thế rồi Nga được bạn bè rủ rê chuyển hướng qua làm Sales cho một công ty nội thất. Quả thật Sales là một nghề rất dễ hái ra tiền: lương cố định + commission + thưởng target… chính những “mật ngọt” này đã khiến Nga quyết tâm rời bỏ công việc hiện tại của mình để theo đuổi công việc mới. Nhưng mọi thứ không dễ như cô nghĩ, Sales dễ hái ra tiền nhưng cũng không dễ làm được điều đó. Mối quan hệ hạn chế, kỹ năng Sales không nhiều, đàm phán với khách hàng thất bại nhiều… lúc này cô mới nhận ra mình không hợp và không có năng lực với nghề này, và theo quy luật sự đào thải là tất nhiên. Cô cảm thấy hối hận, nếu bây giờ cô còn cộng tác với công ty cũ chắc chắn cô sẽ ở một vị trí khác với mức lương tốt hơn.
Có thể nói chuyển nghề được coi là một bước ngoặt lớn và đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người, nó đáng nhớ vì đây là giai đoạn đánh dấu một chương mới tốt đẹp hơn trong sự nghiệp của họ. Không ai xa lạ, Jame Cameron – Đạo diễn nổi tiếng của bộ phim Titanic là minh chứng cho điều này. Trước khi được mọi người trên thế giới biết đến, Jame Cameron là một tài xế lái xe buýt cho một trường học tại địa phương, sau khi xem bộ phim Star Wars, ông quyết định chuyển nghề và dấn thân vào phim ảnh, và chính quyết định này đã thay đổi cả cuộc đời ông. Để chuyển nghề thành công rất cần đến nhiều yếu tố: kiến thức về công việc, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm những chuyên gia trong nghề, chuẩn bị kế họach và mục tiêu đặt ra…nó không đơn giản như bạn việc bạn chuyển từ đi “dép lê” sang “giày cao gót”. Bạn cũng có thể chọn con đường an toàn cho mình là thực tập trước nghề mới khi vẫn đang làm công việc cũ, chẳng hạn bạn muốn chuyển sang nghề sales, bạn có thể đăng kí làm Cộng Tác Viên kinh doanh của một vài công ty trước khi chính thức khởi nghiệp cho mình. Việc này sẽ giúp bạn làm quen với công việc từ từ, không bị áp lực, xây dựng trước cho mình những mối quan hệ và đặc biệt nó như một “bài kiểm tra” xem thử bạn có tố chất và năng lực cho công việc này hay không.
Hi vọng rằng những bạn đang có ý định chuyển nghề hãy suy nghĩ cho thật kỹ về quyết định của mình, hãy nhớ rằng thành công hay thất bại đều do bạn tạo dựng nên.

Theo Đàn ông