Để kết thân với sếp

Nếu từ lâu bạn e dè trước cấp trên, ngay bây giờ hãy chủ động cải thiện mối quan hệ quản lý – nhân viên tốt đẹp hơn nhé!
Ngoài mục tiêu tiền tài và danh vọng, mối quan hệ tốt với sếp mang lại nhiều bài học trong công việc và cả cuộc sống.
Sếp là người nhiều kinh nghiệm, chắc chắn sẽ không tiếc công hướng dẫn khi bạn muốn học hỏi. Chính vì thế, bạn có thêm một người thầy tin cậy.
Bạn còn có thể nhờ sếp nhận xét các thành quả của mình. Sếp sẽ biết bạn đã đóng góp những gì cho công ty, nhờ đó bạn từ từ tỏa sáng trong mắt cô ấy.
Hơn nữa, khi thân thiết với sếp, bạn sẽ nhận ra những đức tính tốt của cấp trên. Điều này giúp xòa nhòa suy nghĩ sếp khó khăn, chỉ biết đòi hỏi. Từ đó, bạn sẽ có cách nhìn người tích cực hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ làm thân với sếp nữ thôi nhé, vì việc thân thiết với sếp nam có thể khiến người khác nghĩ không hay về bạn.
Để làm thân với sếp, bạn không cần nghĩ ra nhiều chiêu trò để lấy lòng. Nếu bạn tặng một món quà đắt tiền, có thể khiến sếp nghi ngờ động cơ của bạn. Tâng bốc sếp lên “mây xanh” có khi cô ấy lại nghĩ bạn nịnh bợ. Cosmo xin chia sẻ những hành động chân thành chính giúp bạn thu hẹp khoảng cách với sếp.
Chia sẻ sở thích chung

Nếu muốn trở thành bạn của sếp, bạn nên chú ý những hoạt động ngoài giờ mà sếp đang tham gia. Nếu bạn và sếp cùng có sở thích chơi cầu lông, hãy tận dụng cơ hội bàn luận về nó hoặc mời sếp đánh cầu giao hữu sau giờ làm.
Bạn đừng quên sở thích “truyền thống” của phái đẹp là shopping. Trong giờ nghỉ trưa, bạn có thể mời sếp và đồng nghiệp nữ đi ăn rồi kéo nhau đi mua sắm. Đây là những lúc bạn dễ nói chuyện gần gũi với sếp và hiểu cô ấy nhiều hơn. Khi trò chuyện về bạn bè, sở thích, khoảng cách cấp trên – cấp dưới tự nhiên sẽ rút ngắn lại. Thế nên, bạn đừng để những chuyện liên quan đến công việc chen ngang lúc này.
Thỉnh thoảng, bạn biết cửa hàng uy tín nào giảm giá thì mách nhỏ với sếp. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm như: “Em thấy cửa hàng A bán váy rất đẹp, cửa hàng B có nhiều kiểu đầm mới”. Chắc chắn sếp thấy bạn rất nhiệt tình và chu đáo.
Làm đẹp cũng là đề tài không bao giờ cũ của phụ nữ. Hôm nào hoàn thành xong một dự án vất vả, bạn kéo sếp đến spa để thư giãn, chăm sóc da. Có thể bạn sẽ tạo được sở thích chung với cô ấy đấy.
Xem sếp như người bạn
Đa số người làm quản lý đều ngại bị cô lập và cấp dưới ghét bỏ. Thế nên, đừng bao giờ đặt sếp ngoài vòng quan tâm của bạn. Mỗi lần đi du lịch, ngoài phần quà cho đồng nghiệp, đừng ngại dành một phần cho sếp. Bề ngoài cô ấy có thể lạnh lùng nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy rất vui khi thấy món quà “chân chất” bạn mang về.
Ngoài ra, vào dịp lễ Tết, bạn có thể viết e-mail chúc mừng cả phòng, kèm theo gợi ý cho buổi tiệc vui nhộn. Không quên gửi nội dung trên vào hộp thư điện tử của sếp bạn nhé!
Cử chỉ nhỏ làm sếp “đổ gục”
– Đừng ngại giúp sếp những việc nhỏ. Chẳng hạn sếp “vô tình” hỏi cách cài đặt 3G trên điện thoại, bạn hãy hướng dẫn kỹ lưỡng như là việc của chính mình. Sáng hôm sau nhớ hỏi cô ấy đã cài đặt được chưa.
– Đừng tiếc lời khen sếp trong những việc cô ấy cảm thấy tự hào nhất. Khi gặp sếp trong thang máy, bãi xe, bạn không chỉ chào hỏi mà còn khen sếp nếu cô ấy đổi kiểu tóc mới hay diện đôi giày hợp mốt. Những lời khen đúng lúc, đúng chỗ luôn có giá trị khích lệ sếp vô cùng.
– Nếu sếp hào phóng chi trả cho cuộc vui tối qua hay thưởng thêm cho mọi người vào dịp cuối năm, bạn đừng ngủ quên trong sự sung sướng nhé. Gửi một e-mail cảm ơn với thái độ trân trọng đến sếp, cô ấy sẽ thấy hài lòng lắm đấy.
Những điều tuyệt đối tránh
Với những bí quyết trên, bạn sẽ trở thành một người bạn của cấp trên. Khi thân thiết với sếp rồi, bạn cần “né” những hành động này:
“Tám” chuyện, nói xấu đồng nghiệp với sếp: Bạn có thể khiến họ bị sa thải và bản thân bạn cũng mang tiếng “chọc gậy bánh xe”.
Tiết lộ các bí mật riêng: Những chuyện như bạn đi uống rượu thâu đêm và có một cuối tuần tự cho phép mình buông thả thì không nên để sếp biết.
Để sếp tâm tình mọi thứ: Bạn sẽ chuốc mệt vào thân khi trở thành “thùng rác” cho cô ấy nhồi nhét tất cả phiền muộn từ việc công đến việc tự.

Theo dep.com