Bài học ứng xử cho “cánh tay phải” của sếp

Trở thành cánh tay phải của nhà quản lý không chỉ là cơ hội để thể hiện mình là một nhân viên xuất sắc luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao và hẳn nhiên, bạn cũng là nhân viên được sếp yêu quý và tin tưởng nhất trong văn phòng. Đó chính là thuận lợi cho sự nghiệp của bạn sau này nhưng cũng có thể khiến mối quan hệ với các đồng nghiệp khác trở nên tiêu cực.
Bí quyết ứng xử cho “cánh tay phải” của sếp
Ngoài mặt, đồng nghiệp có thể vẫn hồ hởi, đối xử tốt với bạn nhưng sau lưng bạn, họ lại nói xấu, thậm chí tìm cách khiến bạn gặp khó khăn trong công việc. Bởi sự đố kỵ, mọi người sẽ bàn tán về mối quan hệ thân thiết của bạn với sếp, xì xào rằng bạn được sếp thiên vị và nghi ngờ khả năng thực sự của bạn.
Để không rơi vào tình huống trên, vừa tránh bị đồng nghiệp xa lánh vừa duy trì mối quan hệ tốt đẹp với sếp, bạn cần phải cư xử khéo léo và chuyên nghiệp. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
Luôn khiêm tốn
Đối với sếp, bạn là một nhân tài và bản thân bạn cũng rất tự tin với khả năng của mình. Tuy nhiên, đi quanh văn phòng với vẻ kiêu căng, tự phụ, cái tôi cá nhân quá cao không phải là cách chinh phục sự yêu mến của đồng nghiệp. Không ai thích người lúc nào cũng tỏ ra mình biết mọi thứ. Do đó, cho dù bạn biết đáp án cho mọi câu hỏi, bạn không nhất thiết lúc nào cũng là trung tâm của mọi sự chú ý. Quan điểm này không chỉ thể hiện thiện chí tốt với đồng nghiệp mà còn chứng tỏ với cấp trên rằng bạn hòa hợp với mọi người và có tiềm năng trở thành người lãnh đạo.
Không nên tự nhận mình đa năng
Thường người tự cho rằng cái gì mình cũng biết thì trong thực tế chẳng biết điều gì tới nơi tới chốn, chưa kể còn che giấu nhiều khuyết điểm. Thực tế nếu bạn là người đa năng, bạn có thể có khả năng quan sát ở chiều rộng nhưng vì liên tục chạy theo những cái mới nên không đủ thời gian và tính kiên nhẫn để am hiểu sâu sắc một vấn đề nhất định nào. Hay nói cách khác, những cá nhân am hiểu chuyên môn và chỉ tập trung vào cái mà họ làm tốt sẽ không bao giờ hài lòng với “sự rong chơi” ở mọi vấn đề mà bạn tham gia.
Tương tự như quan điểm “nhân vô thập toàn” ở phương Đông, thực tế đã chứng minh không có người cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi và càng không thể có người hoàn hảo. Do đó, bạn nên phát huy tối đa điểm mạnh khi gặp đúng sở trường chứ đừng “tham lam”.
Đừng ỷ vào sự tín nhiệm của sếp
Kết quả công việc hiện tại xuất sắc sẽ gây ấn tượng với sếp một thời gian nhưng nếu bạn bắt đầu “trượt dốc”, sếp sẽ nhanh chóng nhận ra. Đừng lợi dụng vào sự tín nhiệm của sếp mà lơ là công việc của mình. Muốn tiếp tục duy trì tình cảm tốt đẹp với sếp, đồng thời chứng tỏ cho đồng nghiệp thấy mình xứng đáng được yêu mến, bạn cần không ngừng nỗ lực, phấn đấu để mang lại năng suất, hiệu quả làm việc xuất sắc hơn nữa.
Chủ động đóng góp ý kiến và biết lắng nghe
Dù cho bạn là nhân viên giỏi, được sếp tin cậy nhưng khi đã tham gia vào một tập thể, bạn đừng nên bảo thủ với ý kiến của mình. Cách nhìn nhận sự việc của mọi người là khác nhau, bạn đừng vì người khác không có ý kiến chung với mình mà có thái độ coi thường. Hãy biết tôn trọng những người xung quanh, nhưng cũng nên có những ý kiến cá nhân, không nên gió chiều nào xoay chiều ấy. Bạn có thể vừa nêu ý kiến của bản thân vừa lắng nghe người khác, điều đó thể hiện sự nhẫn nại của bạn, khi đó bạn mới là người thực sự biết nắm bắt nghệ thuật giao tiếp.
Sẵn sàng với những thử thách mới
Để tránh tự thỏa mãn với bản thân, bạn nên nói chuyện thường xuyên với sếp, xác định rõ ràng mục tiêu và nguồn cảm hứng của mình và phát triển mối quan hệ vững chắc với đồng nghiệp. Nếu có cơ hội thử sức bản thân qua một dự án mới hay đảm nhận những nhiệm vụ chưa từng thực hiện…, đừng bỏ lỡ. Chúng là công cụ để bạn tiếp tục phát huy phong độ ổn định trong công việc.
Ngoài ra, nếu phân tích kỹ lưỡng tình huống, về sự yêu mến của sếp dành cho bạn, bạn sẽ thấy cách đối xử đặc biệt này không phải là sự châm chước, bao che trong công việc mà đồng nghĩa với nhiều trách nhiệm và việc làm hơn. Và đây cũng là một thử thách bạn phải vượt qua trong sự nghiệp của mình.

Theo Vnbusiness