Quản trị nhân sự: lạt mềm buộc chặt

Khó tập hợp và khai thác sức lực của nhân viên khi cần thiết ngoài thời gian làm việc thường nhật là một hệ quả của việc quản lý quá chặt chẽ.

Khi có công việc phát sinh cần phải làm ngoài giờ, nhân viên tỏ ra rất miễn cưỡng, không quan tâm nhiều đến lợi ích chung, dù họ vẫn làm việc nghiêm túc trong thời gian đã được quy định. Bài toán chỉ được giải quyết khi nhân viên được nhận thù lao cho phần việc phát sinh. Làm việc vừa đủ để “trả nợ” trong phần nhiệm vụ của mình, thờ ơ với các vấn đề phát sinh, đến nơi làm việc chỉ để “điểm danh”, thậm chí duy trì công việc chỉ để “cầm hơi” trong thời gian tìm việc khác… dường như là tác phong làm việc của một số nhân viên. Nếu đa số nhân viên đều như thế và có những nhân viên lúc mới vào làm việc rất nhiệt tình, sáng tạo, nhưng dần dà cũng bị nhiễm “tác phong” này thì cần xem lại cơ chế quản lý.

Ở góc độ nhà quản lý, mỗi một ngày làm việc không chất lượng của nhân viên có ý nghĩa ngang với một núi tổn thất: lương vẫn phải trả, chi phí văn phòng vẫn phải tốn nhưng giá trị lao đông đem lại không nhiều như kỳ vọng. Đó là lý do cần phải quản lý chặt chẽ năng suất lao động của toàn bộ hệ thống nhân sự để đồng lương chi trả cho nhân viên không đáng tiếc.

Kiểm soát thời lượng cần thiết để thực hiện từng công việc và khối lượng công việc được thực hiện trong một đơn vị thời gian là hai trong nhiều tiêu chí quản lý chặt chẽ để đạt được yêu cầu trên. Hệ quả của chúng là quy trình làm việc vận hành tốt. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra hậu quả là nhiều nhân viên trở thành những cỗ máy, vận hành máy móc theo lề lối đã được quy định và chỉ có ý nghĩa đơn thuần là một chi tiết của bộ máy sản xuất ra sản phẩm chứ không phải là chủ nhân của sản phẩm đó. Trên thực tế, họ không đổ tâm huyết vào công việc.

Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là do yếu tố nhân bản bị bỏ qua trong quá trình quản lý. Đó là một dạng biểu hiện tiêu cực của đường lối quản trị theo lý thuyết cổ điển vốn hữu dụng đối với sản xuất, đông nhân công và công việc mang tính chất rập khuôn hơn, không thích hợp với doanh nghiệp đòi hỏi tính sáng tạo và phát triển trong công việc cao. Kiểu quản trị này được đánh giá là khoa học nhờ việc tổ chức và phân công lao động, xây dựng quy trình làm việc hợp lý… nhưng cũng làm nảy sinh mâu thuẫn giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Có những doanh nghiệp tuy thành công trong việc huy động đội ngũ nhân viên luôn tập trung làm việc với áp lực cao nhưng lại không thành công mỗi khi cần tập hợp nhân viên trong những chương trình ngoại khóa, hoặc những công việc mới phát sinh, chưa đi vào guồng máy ổn định, cần có sự nhiệt tình gánh vác của nhân viên. Ngược lai, có những doanh nghiệp mà cấp lãnh đạo thực sự là thủ lĩnh, có thể dễ dàng tập hợp, huy động sức người, thậm chí sức của của nhân viên.

Ở khía cạnh ổn định sản xuất, nhà quản lý cần giảm thiểu các công việc phát sinh và kiểm soát chặt chẽ tiến độ làm việc hơn là thu phục được lòng người và huy động sức người vào những việc ngoài dự tính.

Tuy nhiên, nhiều khi doanh nghiệp vẫn cần sự cống hiến và tâm huyết của tập thể nhân viên để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.

Lý thuyết hành vi – tâm lý trong quản trị quan tâm nhiều đến việc xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa con người với nhau và sự yêu thích công việc, cũng như đáp ứng các nhu cầu về mặt tâm lý trong phát triển nghề nghiệp hơn là ràng buộc vật chất nhằm tạo động lực để đội ngũ nhân viên gắn bó với công việc và hết lòng vì doanh nghiệp.

Trong từng tình hình khác nhau mà nhà quản lý chọn cách thắt lưng buộc bụng: tuyển dụng ngắn hạn hay xuề xòa rộng rãi để có “chiến hưu” lâu dài; gắn kết toàn bộ nhân sự hay chỉ giới hạn ở những người nòng cốt. Dưới áp lực cạnh tranh thị trường, đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, giới chủ không thể quản lý bằng cách chỉ đặt niềm tin vào đội ngũ nhân viên và xây dựng mối quan hệ với họ, mà cần đảm bảo ổn định vận hành hệ thống. Cũng cần đảm bảo được sự đồng thuận giữa nhân sự cấp thấp nhất đối với cấp lãnh đạo cao nhất. Doanh nghiệp quy mô càng lớn thì càng khó khán để đạt được sư đồng thuận này và càng khó quản lý tốt năng suất làm việc. Việc xây dưng mối quan hệ có thể được khuyến khích thực hiện tiếp nối kiểu mắt xích qua từng cấp bậc song song với cơ chế quản lý chi tiết được áp dụng kèm với các chính sách linh hoạt.

Sử dung hòa của cả hai mặt quản lý chặt chẽ và đắc nhân tâm vẫn song hành với phát triển bền vững. Làm sao để nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc, còn nhà quản lý vẫn đảm bảo được tiến độ công việc là một nghệ thuật mà có lẽ lạt mềm buộc chặt là một mấu chốt cho vấn đề.

Theo DNSGCT